Link Video: https://youtu.be/xkwXQ8UBT1E
Ngày 1/12, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt có bài “Căn cước – một kiểu “trở về” vạch xuất phát!”
Tác giả cho biết, Quốc hội Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vừa nhất trí thông qua “Dự luật sửa đổi Luật Căn cước công dân”. Theo đó, luật liên quan đến loại giấy tờ tùy thân quan trọng nhất và phổ biến nhất tại Việt Nam, sẽ mang tên mới là “Luật Căn cước”, và “Thẻ căn cước” sẽ thay thế cho “Thẻ Căn cước công dân” được cấp phát từ 1/1/2016. Sự kiện này đã gây ra một trận bão dư luận trên mạng xã hội.
Theo tác giả, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội hoặc liệt kê, hoặc chuyền cho nhau xem quá trình thay tên, đổi họ của loại giấy tờ tùy thân mới được quyết định đổi tên. Bắt đầu từ tên gọi là THẺ CĂN CƯỚC thời Pháp thuộc, cuối cùng cũng trở lại là THẺ CĂN CƯỚC, theo một vòng luẩn quẩn.
Tác giả dẫn nhận xét của Nguyễn Phan rằng: “Thẻ căn cước” đã trở về “thẻ căn cước” sau gần nửa thế kỷ lưu lạc. Có ai để ý từ lâu “trực thăng” đã không còn là “máy bay lên thẳng”, “lính thủy đánh bộ” cũng đã trở về với “thủy quân lục chiến”. Còn tên lửa, tàu sân bay thì chưa trở về với hỏa tiễn và hàng không mẫu hạm”.
Tác giả dẫn nhận xét của ông Mạc Văn Trang, xem “Thẻ căn cước” là sự kiện vừa bi, vừa hài. Theo ông Trang:
“Chuyện về tên gọi loại giấy tờ tùy thân này không phải là chuyện nhỏ, nó phản ánh toàn bộ cung cách quản lý nhà nước. Từ ngày “cách mạng” đến nay, mọi thứ vận động theo quy luật “đèn cù”, chạy tít mù nhưng sau khi quay vòng thì quay về lại chỗ ban đầu.”
Ông Trang cũng cho rằng: “Quốc hội nên mau quay lại thực hiện Hiến pháp 1946 của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho hợp lý, hợp tình. Hay mạnh dạn hơn, tiến tới tham khảo dùng Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà, khỏi phải đi lòng vòng! Người Việt dùng cái của người Việt sao lại e ngại mà đi sao chép của Tây, của Tàu? Lạ thật đấy!”
Tác giả cũng dẫn lời mỉa mai của nhà báo Nguyễn Thông, bình rằng: “Một việc nhỏ con con, đơn giản, dễ làm mà phải mất bao nhiêu công phu, thời gian, tiền bạc, thậm chí mất đoàn kết, để “thành công tốt đẹp”, chứng tỏ bộ máy thượng tầng rất rảnh, thái vô tích (vô tích sự), kém hiệu quả.”
Theo ông Thông:
“Cần nói thêm, theo luật mới vừa được Quốc hội thông qua, “những căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ“. Vậy tôi hỏi các bác công an và tất cả các bác chức việc nhà nước kính mến: Căn cước công dân gắn chip của tôi ở mục “Có giá trị đến – Date of expiry” ghi rõ là “Không thời hạn”, vậy tôi cứ tuân chỉ, làm theo luật mới thì có… vi phạm pháp luật không? Hàng triệu người đã được cấp căn cước có giá trị vĩnh viễn, vậy mà ra cái luật, thông qua cái luật cũng không nên hồn.”
Tác giả trích ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng trên tờ Tuổi Trẻ, số ra ngày 29/11: “…Luật Căn cước công dân cuối cùng đã được Quốc hội chấp nhận đổi tên thành Luật Căn cước, sau khi cơ quan soạn thảo giải trình được là thay đổi này sẽ không làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ. Tuy nhiên, khi luật pháp được ban hành mới, hoặc được sửa đổi, thì chi phí tuân thủ có nhiều khả năng sẽ phát sinh.”
“Chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội bao gồm chi phí tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và chi phí tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước. Chi phí này thông thường rất lớn. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội chiếm trung bình 10% GDP ở các nước phát triển và 15% GDP ở các nước đang phát triển.”
Nếu mức chi phí tuân thủ ở Việt Nam là 15%, thì tương đương 65,25 tỷ USD, hay 1,566 triệu tỷ đồng – một con số khổng lồ.
Minh Vũ
>>> Để chống tham nhũng thành công: Truy tố Tổng Trọng tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”?
>>> Bao giờ mới hết tình trạng “có một rừng luật, nhưng toàn xài luật RỪNG” thưa Tổng Bí thư?
>>> Cho hốt lại những lá đơn mà ông Lưu Bình Nhưỡng đã rải. Tô – Tổng có tật nên giật mình?
>>> Tiền ứ, doanh nghiệp đói vốn, dân đói ăn, sân sau “ngập tiền”. Thủ Chính hay thủ phạm?
Không còn những tiếng nói trung thực, Quốc hội trở nên đìu hiu…