Vụ án Vạn Thịnh Phát cùng với bà chủ Trương Mỹ Lan dường như đã thực sự chìm xuồng như đồn đoán. Truyền thông nhà nước đã đồng loạt không đưa tin theo lệnh cấp trên.
Việc bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có thể nuốt trôi những khoản tiền khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn tỷ, tương đương với hàng chục tỷ USD, rõ ràng không chỉ nhờ Ngân hàng SCB đã “đấm mõm” cho các quan chức của Đoàn Thanh tra liên ngành của Chính phủ, mà còn có các quan chức cấp cao hơn dính líu.
Trong Đoàn Thanh tra, kẻ “ngoạm” miếng to nhất là bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, nhận hối lộ lên tới $5.2 triệu USD.
Các quan chức thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các báo cáo không trung thực, để giúp đỡ Ngân hàng SCB che đậy các vi phạm theo quy định của pháp luật, là cách “bánh ít ném đi, bánh quy hồi lại”.
Điều khiến người ta ngạc nhiên là, sau hơn một năm, kể từ khi bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố bắt giam, song cho đến nay, không có thêm bất kỳ một viên chức cấp cao nào trong bộ máy Chính phủ, kể cả Ngân hàng Nhà nước, bị cách chức hay truy tố.
Theo giới phân tích, Cơ quan Phòng Chống tham nhũng và tiêu cực của Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã không dám cho mở tung cái “hũ mắm” có tên Vạn Thịnh Phát của bà Trùm Trương Mỹ Lan. Vì nó liên quan đến một lô, một lốc những dây mơ, rễ má trong toàn bộ hệ thống quan chức cấp cao của bộ máy chính quyền, từ năm 1992 cho đến ngày bà Lan bị khởi tố bắt giam. Bới ra là chết cả nút.
Trong khi đó, giới thạo tin đã đưa ra các nhận định cho rằng, liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, sắp tới sẽ có thay đổi nhân sự cấp cao có “dính líu”, vào đầu năm 2024.
Theo Việt Nam Thời báo, ngày 2/12, có bài bình luận với tựa đề “Đầu năm 2024 Việt Nam sẽ có thay đổi nhân sự cấp cao”.
Theo đó, ngày 17/1/2023, một Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13, được tổ chức để xem xét nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc – Uỷ viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Sau đó một ngày, ngày 18/1/2023, Quốc hội cũng họp phiên bất thường, và đã thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026, đồng thời cho thôi chức trách Đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Vẫn theo Việt Nam Thời báo, “Tại cuộc họp báo hôm 29/11/2023 công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hiện nay các cơ quan đang báo cáo cấp có thẩm quyền, để có thể có thêm kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2024”.
Thông tin này, khiến cho giới phân tích không thể không nhắc đến 2 cái tên, cùng nằm trong nghi vấn sẽ bị “trảm” ở kỳ họp bất thường tới đây, vào đầu tháng 1/2024.
Đó là đương kim Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Đại biểu Quốc hội khóa XV; và ông Lê Minh Hưng, người tiền nhiệm của đương kim Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Ông Lê Minh Hưng là đương kim Chánh Văn Phòng Trung ương Đảng, cánh tay phải của Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng, là người có 4 năm 217 ngày làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhiệm kỳ 2016 – 2020. Ông Lê Minh Hưng được cho là có sai phạm liên quan đến việc quản lý thời kỳ là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, góp phần giúp cho bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có thể thực hiện các hành vi phạm pháp kéo dài.
Bà Nguyễn Thị Hồng được cho là cũng có liên quan Vạn Thịnh Phát, và chính sách siết chặt tín dụng của bà bị quy kết đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Những chính sách đó diễn ra sau nghi vấn về những sai phạm nghiêm trọng của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan.
Có những nguồn thạo tin khẳng định, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Trọng yêu cầu dừng điều tra mở rộng, thậm chí đóng hồ sơ của đại án Vạn Thịnh Phát. Cho dù vụ án lừa đảo này có mức độ thiệt hại lớn chưa từng có, với số tiền đưa và nhận hối lộ lớn chưa từng thấy trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt hơn 70 năm.
Bất chấp các đồn đoán trước đó, khi giới thạo tin khẳng định, “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẵn sàng bỏ mất không trăm triệu tỷ do bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, để bằng mọi giá cứu bằng được ông Lê Minh Hưng?”
Nhưng rõ ràng, theo kịch bản gói gọn, trăm dâu đổ đầu Ngân hàng Nhà nước về trách nhiệm đối với những sai phạm nghiêm trọng của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan, không được ổn thoả. Khi mà cấp cao nhất bị truy tố trong đại án này chỉ dừng lại ở cái tên: bà Đỗ Thị Nhàn – Cục trưởng Cục Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
Vì lẽ đó, ông Trọng phải chấp nhận gạt nước mắt để trảm Ủy viên Trung ương, Bí thư Trung ương, kiêm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng – một đồ đệ trung thành – để cứu bản thân ông Trọng và đồng bọn của ông, ít nhất khỏi búa rìu của dư luận trong thời điểm này./.
Trà My – Thoibao.de