Ngày 1/12, tại Dubai, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt cho Chính phủ Việt Nam, đã công bố kế hoạch huy động nguồn lực, thực hiện Tuyên bố chính trị, thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng với Nhóm các đối tác quốc tế. Điều này nhằm thực hiện mục tiêu huy động nguồn tài trợ 15,5 tỷ đô la, mà các nước công nghiệp phát triển G7 cam kết cho Việt Nam từ cuối năm 2022.
Trước đó, ngày 21/11, Diễn đàn của các Nhà Quản trị Việt Nam – The Leader – phân tích, “Vì sao Orsted dừng phát triển điện gió tại Việt Nam?” Theo đó, Tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới Orsted đã quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Được biết, Orsted quyết “bỏ cuộc chơi” phát triển điện gió tại Việt Nam, là do Nhà nước Việt Nam chưa có chính sách rõ ràng, thống nhất, nên nhà đầu tư chưa mạnh dạn rót hàng tỷ USD vào các dự án. Đồng thời, Tập đoàn Orsted cũng cho biết, các chính sách chủ chốt liên quan đến triển khai và mua điện từ dự án điện gió ngoài khơi của họ bị chậm trễ, và không rõ ràng.
Điều này xảy ra ngay sau khi Tập đoàn Intel của Mỹ, chuyên lĩnh vực sản xuất chip đứng hàng thứ 3 trên thế giới, đã đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỉ USD từ năm 2006, cũng quyết định không triển khai kế hoạch đầu tư thêm 1 tỉ đô la để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Lý do mà Intel dừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam là nguồn điện cung cấp không đầy đủ và không ổn định, thủ tục hành chính nhiêu khê, lắt léo, trì trệ của nền hành chính cửa quyền. Thay vào đó, Intel đã đầu tư 4,6 tỉ USD xây dựng mới nhà máy sản xuất chip ở Ba Lan!
Tình trạng thiếu điện, trong đợt nắng nóng vào tháng 5 và tháng 6/2023, dẫn tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tiến hành cắt điện luân phiên, khiến xảy ra tình trạng gián đoạn sản xuất, cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Trong khi 4.600 MW điện gió, điện mặt trời dư thừa không phát được lên lưới điện quốc gia, thì EVN vẫn nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào. Qua tìm hiểu, được biết, nguyên nhân của tình trạng này là vấn đề “thủ tục, quy chế của EVN và Bộ Công thương”. Nhưng, điều đáng nói là, các thủ tục do tự họ đặt ra, tại sao, Bộ Công thương không cải tiến, sửa đổi thủ tục này để hòa lưới điện cho điện gió, điện mặt trời?
Cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, vào tháng 4/2006 đã khẳng định, đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Vậy mà, cho đến nay, cung cấp điện còn chưa đủ cho sản xuất và đời sống, do năng lực điều hành và quản lý của lãnh đạo cấp bộ yếu kém, thì việc trở thành quốc gia công nghiệp hóa của Việt Nam là điều không thể.
Theo giới chuyên gia, kết quả của việc các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam, là do năng lực điều hành kém cỏi của các quan chức lãnh đạo EVN và Bộ Công thương, nhất là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Theo đó, Bộ trưởng Diên đã lúng túng trong điều hành, chỉ đạo việc cung cấp xăng dầu, gây ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở nhiều địa phương trên cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng tiểu ban Nhân sự của Đại hội 12 và 13 – phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Trong vai trò Trưởng Tiểu ban Nhân sự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý thức được, vai trò của Bộ trưởng Bộ Công thương – người chịu trách nhiệm điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế đất nước hay không?
Tại sao, lý do gì, Tổng Bí thư lại lựa chọn ông Nguyễn Hồng Diên, một người xuất thân từ cán bộ đoàn xã, leo lên đến chức Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình, rồi Phó ban Tuyên giáo Trung ương, một người hoàn toàn không có chuyên môn quản lý kinh tế cũng như năng lực điều hành?
Giới thạo tin cho biết, dựa vào tiền bạc và mối quan hệ, ông Nguyễn Hồng Diên được ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công Thương. Đây là công lao của bố vợ ông Diên là Trần Văn Sen, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen đa ngành, nổi tiếng với nhãn hiệu bia Đại Việt. Ông Sen là một đại gia, một ông trùm vua biết mặt, chúa biết tên, ở đất Thái Bình.
Theo nhà báo Phạm Vũ Hiệp, trong bài viết “Chuyện tân Bộ trưởng Bộ Công thương và ông chủ hãng bia Đại Việt”, đã tiết lộ:
“Ông Trần Văn Sen, với quan hệ rộng, thân tình với Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, cùng các lãnh đạo tiền nhiệm của tỉnh Thái Bình, như Nguyễn Hạnh Phúc, Trần Cẩm Tú… đã gây chấn động chính trường Việt Nam, khi đưa được con rể Nguyễn Hồng Diên, một cán bộ được đào tạo tuyên giáo, học cử nhân sử và có tấm bằng “tại chức” kế toán, ngạo nghễ ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công thương, một siêu bộ.”
Được biết, ngày 8/12/2017, trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt câu hỏi với ý chê trách: “Tại sao người ta nói: Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ. Thân quen “cánh hẩu” thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ… ?”
Công luận đặt câu hỏi, vậy các bộ trưởng Công thương trong thời gian gần đây, như Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hồng Diên, phải chăng là sản phẩm của cuộc mua quan, bán chức ngang nhiên, rầm rộ như chỗ không người, dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?./.
Trà My – Thoibao.de