Ngày 15/12, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam đã ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 85 đồng phạm trong vụ án xảy ra ở Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). Các tội danh truy tố gồm “đưa hối lộ”, “vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”, và “tham ô tài sản”.
Báo Tuổi Trẻ ngày 15/12 đưa tin với tiêu đề, “Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị truy tố vì tham ô chiếm đoạt 304.000 tỉ của SCB”. Bản tin cho biết, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra cáo trạng, truy tố Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan, với cáo buộc tham ô, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, hơn 304.000 tỷ của Ngân hàng SCB. 85 người khác cùng bị truy tố trong vụ án này với nhiều tội danh.
Theo đó, cáo trạng xác định rằng, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm từ 85% đến 91,5% cổ phần của SCB, rồi nắm quyền thao túng toàn bộ ngân hàng này.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng – South China Morning Post – mới đây, trong bài phân tích về vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan, đưa ra một thắc mắc đáng chú ý: “Vì sao, còn quá nhiều điều nổi cộm chưa được điều tra làm rõ, thì lãnh đạo Việt Nam lại cho dừng cuộc điều tra ở mức đáng ngạc nhiên?”
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng còn đặt câu hỏi, vì sao nhà nước Việt Nam đã khởi tố và bắt giam bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm từ đầu tháng 10/2022 cho đến nay, mà vẫn chưa có các quan chức Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước bị xử lý kỷ luật?
Truyền thông nhà nước Việt Nam đã đưa ra những con số về thiệt hại khủng khiếp của vụ án tham nhũng chưa từng có này, cả về mức độ và quy mô. Giới chuyên gia đã đưa ra các so sánh, cho thấy, số tiền bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn “rút ruột” từ Ngân hàng SCB là hơn 300.000 tỷ, gấp 3 lần tổng mức đầu tư sân bay Long Thành, hay gấp 7 lần vốn của 12 dự án cao tốc Bắc Nam.
Giới quan sát đã bày tỏ sự lo ngại, và cho rằng, họ thật sự lo lắng cho năng lực quản trị của định chế tài chính quốc gia của Nhà nước Việt Nam. Tại sao lại để xảy ra tình trạng quản lý lỏng lẻo, tới mức để thất thóat hơn một triệu tỷ đồng, là số tiền mà bà Trương Mỹ Lan lừa đảo trong vòng 10 năm.
Trong 10 năm đó, trải qua 3 đời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, gồm: ông Nguyễn Văn Bình (4 năm), ông Lê Minh Hưng (4 năm), và đương kim Thống đốc Nguyễn Thị Hồng (2 năm). Vậy mà, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) chỉ bị thanh tra duy nhất một lần.
Và phải đến 4 – 5 năm sau, người ta mới biết, Đoàn Thanh tra liên ngành của Chính phủ đã bị SCB “bắn rụng”, bằng 5,7 triệu USD. Trong đó, người nhận hối lộ nhiều nhất là bà Đỗ Thị Nhàn, nhận tới 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền hối lộ đó nhằm mục đích để Đoàn Thanh tra bao che, không xử lý theo quy định, đối với những sai phạm trầm trọng của Ngân hàng SCB.
Vậy tại sao, trách nhiệm của các Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình, ông Lê Minh Hưng và bà Nguyễn Thị Hồng, không được điều tra làm rõ?
Trong cương vị người đứng đầu Đảng và nhà nước suốt 12 năm qua, dư luận thấy rằng, chắc chắn, Tổng Bí thư Trọng không thể vô can, đối với một loạt các đại án đã bị khởi tố, bao gồm: chuyến bay giải cứu, đại án Việt Á, các vụ án AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan…
Và nếu như, cách đây gần một năm, cựu Chủ tịch nước, cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bị buộc phải từ chức vì “trách nhiệm chính trị” trong các vụ án, thì “Trách nhiệm lãnh đạo cao nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vụ án Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan ở đâu?”
Phải chăng, lý do này đã khiến người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam buộc phải “dập lửa” từ đầu gió, tránh để đại án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan lan rộng, tới mức mất kiểm soát? Và cũng không loại trừ một khả năng rất cao, liên quan tới sự “che chắn”, thậm chí có sự dính líu trực tiếp của Tổng Bí thư Trọng.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý. Trong đó, có 5 người bị cách chức uỷ viên Trung ương Đảng, hai Phó Thủ tướng và 3 Thứ trưởng bị mất chức.
Tổng Bí thư Trọng đã từng giữ chức Trưởng tiểu ban Nhân sự, chịu trách nhiệm lựa chọn nhân sự cấp cao trong Đại hội Đảng các khoá 12 và 13.
Dư luận thấy rằng, ông Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản, có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng chắc chắn, ông phải chịu trách nhiệm về mặt chính trị.
Nhất là, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tự nhận rằng, họ là một tổ chức chính trị lãnh đạo đất nước, thì đương nhiên, họ phải có trách nhiệm trước nhân dân./.
Trà My – Thoibao.de