Những ngày vừa qua, mạng xã hội xôn xao với thông tin liên quan đến tình trạng bữa ăn bán trú không được bảo đảm, của 174 học sinh người dân tộc thiểu số, tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1.
Báo Thanh Niên ngày 17/12 đưa tin, “Lào Cai xác minh vụ học sinh bán trú thiếu thức ăn, dùng lá cây thay giấy”. Bản tin cho biết, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đang phối hợp với lãnh đạo chính quyền huyện Bắc Hà, để kiểm tra và làm rõ tình trạng học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1. Theo đó, bữa ăn bán trú của học sinh ở đây không được đảm bảo cả về lượng và chất, có dấu hiệu bớt xén khẩu phần ăn. Đặc biệt là tình trạng học sinh phải dùng lá cây thay cho giấy vệ sinh.
Cụ thể, trong bữa sáng tại bếp ăn bán trú, theo quan sát của phóng viên, “mỗi mâm có 11 trẻ em tranh nhau 2 gói mì tôm nấu loãng chan với cơm”. Dù trên bảng thực đơn và công khai tài chính có ghi rõ, “174 học sinh bán trú được hưởng chế độ ăn sáng mỗi em 1 gói mì tôm và 1 quả trứng”.
Người phụ trách bếp ăn của nhà trường cho biết, tình trạng thiếu đồ ăn cho học sinh thường xuyên xảy ra. Không chỉ bữa sáng, mà cả bữa trưa và bữa tối, thức ăn cho học sinh rất sơ sài, chỉ có 1 ít giò thái nhỏ, cùng một nồi canh nấu lõng bõng. Nhưng Hiệu trưởng nhà trường vẫn cho rằng, như thế là đủ khẩu phần và đúng tiêu chuẩn.
Trước đó, ngày 16/12, chương trình Chuyển động 24 giờ của Đài Truyền hình Việt Nam đã có một phóng sự, phản ánh tình trạng bữa ăn và chất lượng cuộc sống của các em học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1.
Theo phản ánh của các giáo viên trong trường, cho biết, thịt cá cho bữa ăn không đủ đã đành, mà ngay cả những thứ thức ăn rẻ tiền như rau phục vụ cho bữa ăn của các cháu, cũng ở tình trạng thối rữa, hư hỏng.
Theo báo Thanh Niên, tình trạng này xảy ra không chỉ là một vài ngày, hay một vài tuần, mà là tình trạng thường xuyên ở đây. Trong lúc đó, trên tấm bảng công khai khẩu phần ăn treo tại nhà bếp vào ngày 14/11, do Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt, ghi rõ, “số lượng 14kg thịt lợn, 11kg xương,” trong khẩu phần ăn của ngày 14/11. Không hiểu, số lượng thực phẩm được niêm yết đó đã được sử dụng vào việc gì, hay chỉ là con số trên giấy?
Vẫn theo báo Thanh Niên, căn cứ Nghị định số 81 của Chính phủ, quy định rõ, “mỗi tháng, 1 học sinh bán trú sẽ được hưởng trợ cấp tiền ăn là 720.000 đồng, cùng 15kg gạo”. Như vậy, trung bình 1 tháng, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 được nhận số tiền hơn 125 triệu đồng, để tổ chức bữa ăn bán trú cho 174 học sinh.
Qua tìm hiểu của phóng viên Thoibao.de, được biết, công tác giáo dục ở vùng cao hiện nay còn nhiều khó khăn. Chính sách của chính quyền Việt Nam, được cho là, đã cố gắng chú trọng đến công tác giáo dục tại các vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng cao. Nhằm giúp đỡ người dân tộc thiểu số có cơ hội học tập, trong điều kiện khó khăn.
Một nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, người đã nhiều lần tham gia công việc làm từ thiện cho các trường học ở vùng cao Tây Bắc, cho thoibao.de biết nhận xét của ông về việc học tập và cuộc sống của các học sinh vùng cao với điều kiện ẩn danh.
Ông nói: “Cuộc sống của các cháu trên đó là hết sức khó khăn, mặc dù đã được nhà nước ưu ái hơn ở vùng xuôi khá nhiều, các cháu được nhà nước nuôi, xong chỉ ở mức độ ăn chống đói thôi, chứ không ở mức đầy đủ.”
Ông còn cho biết thêm, “các trường nhánh ở các bản xa thì vô cùng vất vả. Ở các phân trường, điều kiện cơ sở vật chất rất tạm bợ và sơ sài, lớp học mùa mưa thì dột, mùa đông thì rét. Điều kiện sống của các thầy cô giáo trong hoàn cảnh không có điện và rất thiếu nước sinh hoạt.”
Công luận thấy rằng, vấn đề giáo dục được xem là chìa khóa để đưa miền núi tiến kịp với miền xuôi. Tuy vậy, việc mang kiến thức lên cho vùng cao vẫn cần phải có sự nỗ lực nhiều hơn của nhà nước, cũng như sự góp sức của toàn xã hội. Nhưng việc không ít cơ sở giáo dục nội trú ở vùng cao, để xảy ra tình trạng bớt xén khẩu phần ăn của học sinh là điều phổ biến. Điều này cần phải được chấm dứt ngay.
Quan trọng hơn, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ, chứ đừng để xảy ra tình trạng, như Giáo sư Ngô Bảo Châu từng nói sau chuyến đi làm từ thiện ở vùng cao những năm trước đây, cho rằng: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sống như lũ thú hoang. Mà bỏ ra 1.400 tỷ để xây tượng đài, thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh.”./.
Trà My – Thoibao.de