“Bãi thối” Ba Dũng thải ra,  Đảng để đến 10 năm sau mới hốt. Vì sao?

Trước khi rời nhiệm sở, ông Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 103/2006/QĐ-TTg ngày 15/5/2006, về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn kinh tế, đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước chi phối, trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Tuy ông Phan Văn Khải là người ký quyết định thành lập các tập đoàn kinh tế, nhưng điều hành các tập đoàn này lại là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Sau một nhiệm kỳ điều hành, các tập đoàn kinh tế, trong đó có Vinashin và Vinalines, đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ của nhân dân, thiệt hại quá lớn.

Năm 2010, Vinashin, đứng bên bờ vực phá sản do nợ quá nhiều. Lẽ ra phải cho phá sản, thì ngày 18/11/2010, ông Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 2108/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin. Theo đó, Tập đoàn này được chia ra làm ba phần. Hai phần chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Đến năm 2012, vụ Vinashin đổ bể, hàng loạt quan chức là lãnh đạo Tập đoàn này dính vòng lao lý. Tòa án Nhân dân Tối cao đã tuyên bố 8 bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó có: Phạm Thanh Bình – cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin – lĩnh mức án 20 năm tù giam; Trần Văn Liêm – nguyên Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn, nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương – 19 năm tù giam; Tô Nghiêm – nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà – 18 năm tù giam; Nguyễn Văn Tuyên – nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thuỷ Hoàng Anh Vinashin – 16 năm tù giam; Trịnh Thị Hậu – nguyên Tổng Giám đốc tài chính Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Công nghiệp Tàu thuỷ Vinashin – 14 năm tù giam; Hoàng Gia Hiệp – nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu thuỷ, Giám đốc Công ty cho thuê tài chính Công nghiệp Tàu thuỷ – 13 năm tù giam; Trần Quang Vũ – nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Nam Triệu – 11 năm tù giam; Đỗ Đình Côn – nguyên Kế toán trưởng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thuỷ Hoàng Anh Vinashin – 10 năm tù giam.

Cũng giống như những vụ án hiện nay, vụ án Vinashin xảy ra vào năm 2012 đã không khui tới trùm cuối, bởi trùm cuối chính là Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Chính phủ lúc đó. Những người bị hốt trong vụ án Vinashin chỉ là những người vâng lệnh. Diệt sâu nhưng lại chừa ra sâu chúa, vì vậy, vấn đề của Vinashin vẫn còn âm ỉ đến nay.

Sau khi hàng loạt lãnh đạo Tập đoàn Vinashin đi tù, ông Nguyễn Tấn Dũng không cho phá sản Tập đoàn này, mà chỉ đạo cho ông Đinh La Thăng – lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải – ký quyết định đưa Vinashin từ một tập đoàn kinh tế nhà nước, trở lại thành một Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con. Công ty mẹ tức Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên, do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Và đổi tên Vinashin thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).

Ông Nguyễn Tấn Dũng không cho phá sản Vinashin, và vẫn duy trì cái “thây ma” Vinashin dưới một tên gọi khác, với nhiều lần “tái cơ cấu”, đã khiến nó đã tàn phá nền kinh tế kinh khủng.

Năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng rời khỏi vũ đài chính trị. Lẽ ra, ông Nguyễn Xuân Phúc nên cho cái “thây ma” này phá sản đi, nhưng ông này lại cũng tiếp tục duy trì.

Được biết, vào tháng 6/2019, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội lại xử và tuyên án các bị cáo trong vụ “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trước là Vinashin, sau là SBIC. Trong đó, Nguyễn Ngọc Sự – cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin-SBIC – chịu mức án 13 năm tù; Trần Đức Chính – cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Vinashin – 17 năm tù; Trương Văn Tuyến – cựu Tổng Giám đốc Vinashin – 7 năm tù; Phạm Thanh Sơn – cựu Phó Tổng Giám đốc Vinashin – 6 năm tù.

Sau khi ông Phạm Minh Chính lên Thủ tướng, ông này cũng tiếp tục cho duy trì “thây ma” Vinashin, đến đầu năm 2024 thì buộc phải cho phá sản.

Vinashin – một “bãi thối” của ông Nguyễn Tấn Dũng thải ra – mà Đảng để mãi đến 10 năm sau mới hốt, vì sao?

Duy trì nó là để bộ máy có nơi mà bòn rút ngân sách cho vào túi. Cho nên, những ai đang hưởng lợi từ nó phải cho duy trì thây ma này lâu nhất có thể, nhưng cũng không thể duy trì mãi.

Ý Nhi – Thoibao.de

25.12.2023