Vấn đề ưu tiên cho “con anh Sáu, cháu anh Năm” trong việc bổ nhiệm nhân sự là các hạt giống đỏ, đã trở thành một quy định bất thành văn. Đó là việc thiết lập trở lại cơ chế “con vua lại làm vua” của những người Cộng sản Việt Nam.
Lâu nay, con ông cháu cha của các quan chức cấp cao ở Việt Nam, được ưu ái, nâng đỡ. Để rồi, sau một thời gian ngắn, họ nhận quyền cao, chức trọng trong bộ máy Đảng và nhà nước.
Công luận thấy rằng, nếu những nhân vật trẻ ấy thực sự có tài năng, có bản lĩnh, và do chính bản thân họ tự phấn đấu, trên cơ sở một môi trường làm việc cạnh tranh công bằng, thì không có gì phải nói, thậm chí lại còn là điều tốt. Nhưng nếu ngược lại, việc thăng tiến không phải do năng lực hay nỗ lực phấn đấu của họ, thì đây là những việc làm rất tai hại. Cha mẹ của những người này đã tiếp tay cho con cái họ, để kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Tình trạng “con anh Sáu cháu anh Năm” kéo dài, và đã trở thành vấn đề mặc nhiên được thừa nhận. Có người tặc lưỡi cho qua, nhưng cũng có người nguyền rủa lũ lãnh đạo này trên mạng xã hội rằng:
“Cả đời vì cháu vì kon.
Đe’o ai vì nước vì non bây giờ?”
Chuyện Phó Chủ tịch Tân Bình Trương Tấn Sơn – thái tử của ông Tư Sang – điều chuyển về quê nhà ở tỉnh Long An, được truyền thông nhà nước biến thành một sự kiện trọng đại. Được biết, so với con cái các quan chức lãnh đạo khác trong Đảng, thì Trương Tấn Sơn tỏ ra mờ nhạt. Theo giới thạo tin, “Sơn không làm được trò trống gì gây tiếng vang với công chúng”.
Ông Trương Tấn Sơn, 39 tuổi, quê Long An, có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế; Kỹ sư Xây dựng; Cao cấp Lý luận chính trị.
Trước khi trở thành Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Tân Bình, ông Sơn là Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist).
Rõ ràng, quá trình thăng tiến của Trương Tấn Sơn khá “đì đẹt”, nếu so với sự thăng tiến của con cái ông Ba Dũng – một đối thủ chính trị của ông Tư Sang.
Trong lúc, 2 con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Nghị đã là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, và Nguyễn Minh Triết cũng đã là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, thì lẽ nào, ông Tư Sang chịu để con trai mình thua kém?
Theo giới thạo tin, ông Trương Tấn Sang đưa con trai là Trương Tấn Sơn về Long An, với mục đích để bầu bổ sung vào Tỉnh uỷ tỉnh Long An trong thời gian tới. Bước tiếp theo, Trương Tấn Sơn sẽ được cơ cấu làm Bí thư Tỉnh uỷ Long An tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An vào năm 2025.
Lúc đó, Trương Tấn Sơn đã 42 tuổi. Để được lọt vào Bộ Chính trị tại Đại hội 16 của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào năm 2036, theo tiêu chuẩn bắt buộc hiện hành, phải có hai khóa là Ủy viên Trung ương Đảng và số tuổi dưới 65.
Tư Sang đưa Trương Tấn Sơn về quê Long An, nơi ông có ảnh hưởng rất lớn đối với Đảng bộ tỉnh Long An. Hơn nữa, đương kim Bí thư Tỉnh uỷ Long An Nguyễn Văn Được là một người chịu nhiều ân tình của ông Tư Sang, lại đến tuổi nghỉ hưu.
Việc lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam thường dùng mọi thủ đoạn, lợi dụng chức vụ, để con cái của họ thăng tiến, chỉ mới xuất hiện một cách công khai và phổ biến trong thời gian ông Nguyễn Tấn Dũng giữ chức Thủ tướng. Đó cũng là thời gian mà ông Nông Đức Mạnh giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX và X, từ năm 1997.
Kể từ đó, tệ nạn con ông cháu cha của các quan chức cấp cao nhất được bổ nhiệm, giữ các chức vụ cao, trở nên phổ biến hơn lúc nào hết. Đó là điều không hoặc rất ít thấy ở các vị lãnh đạo Cộng sản tiền nhiệm, trước đổi mới năm 1986.
Các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn… là những lãnh đạo Cộng sản có uy tín và quyền lực rất lớn. Vậy tại sao họ không đưa con cái của họ vào những vị trí quan trọng, như quan chức lãnh đạo Việt Nam hiện nay?
Nguyên nhân sâu xa chắc chắn không nằm ngoài sự tác động của nền kinh tế thị trường “định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Khi các lãnh đạo Việt Nam đã hết chất Cộng sản, họ chỉ còn lo vun vén cho bản thân và gia đình.
Không có cha mẹ nào không thương con cái, không ai không làm hết sức mình vì sự nghiệp và cuộc đời của con cái. Nhưng điều đó chỉ được phép giới hạn trong phạm vi gia đình. Các nhà lãnh đạo quốc gia phải rạch ròi giữa việc nước và việc gia đình, thì người dân mới nể phục.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng về việc không đưa con cái ngồi vào “ghế lớn”. Nhưng đến nay, ông Trọng cũng không nhịn nổi khi nhìn con cái các đồng chí của ông thăng tiến. Mới đây, Tổng Trọng đã đưa con trai mình – ông Nguyễn Phú Trường – ngồi vào ghế Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương, để tạo tiền đề trước cho ghế Trưởng Ban Tuyên giáo, nối nghiệp cha.
Việc con cái lãnh đạo tiếp tục nối gót cha “làm vua”, chẳng thấy hồng phúc ở đâu, chỉ thấy, điều này chắc chắn đã trở thành thảm họa của quốc gia, của dân tộc.
Việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam độc chiếm chính trường, trong đó có yếu tố giữ ngai vàng cho cái của họ, là điều có thật./.
Trà My – Thoibao.de
29.12.2023