Ngày 20/1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã cho khởi tố Ngô Đình Chén, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính và Trần Công Tỏ, cựu Trưởng phòng Tài chính Doanh nghiệp Sở Tài chính. Hai ông này bị khởi tố do sai phạm liên quan đến dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower, địa chỉ số 3 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa. Tuy có lệnh khởi tố, có lệnh khám xét nhà, nhưng Công an không bắt giữ người để điều tra, mà chỉ cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cũng liên quan đến dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower, ngày 29/12/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trịnh Văn Chiến – cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Như vậy là, cả 3 nhân vật liên quan đến sai phạm công trình Hạc Thành Tower đều bị khởi tố, nhưng không bị bắt tạm giam. Đây là trường hợp không bình thường, bởi không tạm giam thì quá trình điều tra sẽ gặp khó khăn, đấy là chưa nói đến khả năng bị can bỏ trốn.
Nhóm lợi ích chính trị Thanh Hóa cũng được xem là nhóm mạnh, với 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Trung ương Đảng. Tuy Thanh Hoá chỉ có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng nhân vật này là Thủ tướng Phạm Minh Chính, người được xem là có quyền lực đứng thứ nhì trong hệ thống chính trị Việt Nam, chỉ sau ông Tổng Bí thư.
Nhưng dù ông Phạm Minh Chính quê gốc Thanh Hóa, nhưng sự nghiệp chính trị của ông thì hầu hết ở Bộ Công an và tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, ông vẫn được xem là nhân vật đầu tàu của nhóm lợi ích Thanh Hóa.
Vì là nhân vật có thực quyền lớn, đứng thứ nhì, nên khi ông Nguyễn Phú Trọng tấn công vào “sào huyệt” của ông Thủ tướng, thì luôn gặp trở ngại rất lớn. Cho tới nay, ông Tô Lâm vẫn chưa làm gì được dàn cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dưới trướng ông Phạm Minh Chính, khi ông làm Bí thư tỉnh này.
Khởi tố một cựu Ủy viên Trung ương Đảng như ông Trịnh Văn Chiến, thường do Bộ Công an ra tay. Tuy nhiên, đối với vị đồng hương này của ông Thủ tướng, thì Bộ Công an lại để cho Công an tỉnh thực hiện. Mặc dù ông Phạm Minh Chính đã rời Bộ Công an từ năm 2011, nhưng ông Chính vẫn cài người lại ở Bộ này. Tô Lâm không thể kiểm soát hoàn toàn Bộ Công an.
Việc khởi tố một cựu Ủy viên Trung ương Đảng được đẩy xuống cho Công an tỉnh thực hiện không phải là ngẫu nhiên, mà rất có thể có bàn tay quyền lực nào đấy can thiệp. Bởi khi đẩy vụ án xuống cho Công an tỉnh, thì thế nào cũng xảy ra hiện tượng cả nể mà không dám mạnh tay, bởi Giám đốc Công an tỉnh là người dưới quyền Bí thư tỉnh. Tuy Trịnh Văn Chiến đã hết quyền lực, nhưng cái uy trong chính quyền tỉnh vẫn còn.
Việc khởi tố mà không bắt giam đã là một sự bất thường, và điều tra một Ủy viên Trung ương Đảng mà lại được đẩy xuống cho Công an tỉnh thực hiện, cũng là điều không bình thường nữa. Những dấu hiệu này cho thấy, có thể có một bàn tay quyền lực nào đó can thiệp, nhưng rất khó để khẳng định, vì không thể có được bằng chứng.
Một số người nghi ngờ, có khi nào, ông Phạm Minh Chính đã can thiệp để các đồng hương của ông khỏi phải xộ khám hay không?
Việc khởi tố mà không bắt tạm giam cũng từng xảy ra với trường hợp ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh. Phiên xét xử ông Thản diễn ra vào năm 2023 đã dừng giữa chừng, vì tòa án trả hồ sơ về cho cơ quan điều tra. Không biết bao giờ, vụ án ông Lê Thanh Thản mới bắt đầu xét xử trở lại.
Vụ án của ông Lê Thanh Thản cũng diễn ra không bình thường. Rất có thể, có ai đó đã can thiệp vào, để ông chủ Mường Thanh không phải ngồi tù chăng?
Ở nhà nước tự xưng là “nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa” này, luật pháp không thống nhất, tiêu chuẩn kép được áp dụng tràn lan. Những người thực thi pháp luật lại vi phạm quy trình tố tụng, cố ý uốn nắn để làm sao có kết quả theo ý họ. Với tù nhân lương tâm, từ không có tội họ sẽ ép thành có tội. Với quan chức, họ lại tìm mọi cách để giảm tội, hoặc thậm chí vẫn khởi tố nhưng không bắt giam, không xét xử, như các trường hợp trên.
Ở xứ này, pháp luật không bằng quyền lực.
Ý Nhi – Thoibao.de
22.1.2024