Ngày 26/1, tờ báo Thanh Niên cho biết, ngày 25/1, Thành ủy Đà Lạt tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác kiểm tra, giám sát năm 2023. Bí thư Thành ủy Đà Lạt – Đặng Trí Dũng – đã vắng mặt tại Hội nghị này. Thay vào đó, chủ trì Hội nghị là bà Ngô Thị Mỹ Lợi – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Lạt và ông Đặng Quang Tú – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt. Dự Hội nghị có ông Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Ngày 24/1, ông Tô Lâm đã cho người bắt ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng. Ông Quận bị bắt do liên quan đến đại dự án Khu đô thị thương mại nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, thuộc huyện Đức Trọng, do đại gia Nguyễn Cao Trí làm chủ đầu tư. Liên quan đến dự án này, trước đó, ngày 2/1, Bộ Công an đã có quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, về hành vi nhận hối lộ.
Thông tin ngoài luồng lại nói rằng, ông Tô Lâm đã cho bắt ông Đặng Trí Dũng cả tháng nay, nhưng không công bố, để các bên còn dàn xếp, Bộ Công an còn làm tiền. Đây là thông tin không phải là không có cơ sở, bởi ông Tô Lâm cũng từng bắt người mà giấu thông tin trước báo giới.
Trước đó, ngày 5/8/2023, ông Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an – đã thông báo, ông Nguyễn Cao Trí bị bắt. Điều đáng nói là, ông Xô cũng thông báo, ngày 15/1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo Khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự. Vậy là, ông Tô Lâm đã cho bắt ông Nguyễn Cao Trí 7 tháng trước khi thông báo.
Từ nhiều tháng trước khi ông Tô Ân Xô thông tin cho báo giới về việc bắt giữ ông Nguyễn Cao Trí, báo chí đã rộn lên vì sự vắng mặt của vị đại gia này, mà không có lý do. Có thể báo giới không biết, và cũng có thể họ biết nhưng không được quyền nói.
Không có luật nào quy định, lực lượng Công an được phép bắt người âm thầm như bắt cóc. Đấy là cách làm của những nhóm tội phạm có tổ chức, chứ không phải cách làm của một nhà nước pháp quyền. Thông tin riêng cho biết, ông Tô Lâm bắt người như thế là để ngã giá với các bên, chủ yếu là về số tiền đút lót. Nếu chịu chung chi thì Cơ quan Cảnh sát điều tra có thể đề xuất mức án nhẹ, còn nếu không đáp ứng, thì sẽ bị áp án nặng. Hành động này chỉ khác các nhóm tội phạm tổ chức bắt cóc người để đòi tiền chuộc ở chỗ, khi nhóm tội phạm bắt cóc đòi được tiền chuộc, thường thì sẽ thả con tin, còn Công an Việt Nam cũng bắt người để làm tiền, nhưng không thả người mà chỉ áp mức án nhẹ hơn, sau khi yêu cầu của họ được đáp ứng.
Không biết, Công an được mệnh danh là “lực lượng chấp pháp”, mà chấp pháp theo kiểu tội phạm thì lấy đâu ra “nhà nước pháp quyền”? Người đứng đầu Bộ Công an lại mang người tận sang Berlin bắt cóc người, thì làm gì lực lượng dưới bàn tay điều hành của ông làm sao biết tuân thủ pháp luật?
Ông Đặng Trí Dũng rất có thể cũng đã rơi vào trường hợp như ông Nguyễn Cao Trí, bởi đó là phong cách làm việc của ông Bộ trưởng Bộ Công an. Đã có tiền lệ, khi mà Công an dùng đặc quyền Đảng ban, đứng lên trên luật pháp để làm tiền, thì có thể nói, người dân Việt Nam đang sống dưới móng vuốt của bọn thảo khấu, mà cứ ngỡ là được “lực lượng chấp pháp bảo vệ”.
Ý Nhi – Thoibao.de
29.1.2024