Ngày 27/1, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ra thông báo về việc xử lý kỷ luật đối với một số nhân sự cấp cao, liên quan đến những sai phạm của Bộ Công thương trước đây.
Ông Trịnh Đình Dũng – cựu Phó Thủ tướng, và ông Mai Tiến Dũng – cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bị kỷ luật ở mức “khiển trách”. Công luận thấy rằng, với hình thức kỷ luật “giơ cao đánh khẽ” như vậy, thì không có tác dụng.
Đáng chú ý, trong thông báo của Bộ Chính trị, người ta thắc mắc khi không thấy tên ông Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương?
Đến ngày 31/1, báo Tuổi Trẻ đưa tin, “Ông Trần Tuấn Anh thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XIII”. Bản tin cho hay, ngày 31/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp, xem xét và quyết định về công tác cán bộ.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về nguyện vọng xin thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Trần Tuấn Anh. Trung ương đã đồng ý để ông Trần Tuấn Anh thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo giới quan sát, thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương có lời lẽ thiếu nghiêm khắc, như:
“Trên cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương, nhiệm kỳ 2016 – 2021, ông đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành công tác của ngành công thương đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông [Trần Tuấn Anh] phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính.”
Đây là điều phản ánh không đúng bản chất những sự vi phạm của ông Trần Tuấn Anh. Trên thực tế, những vi phạm này là hết sức trầm trọng, tới mức, công luận cho rằng, cần phải khởi tố hình sự và bắt giam ông Trần Tuấn Anh thì mới thỏa đáng.
Trước đó, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp xử lý mạnh đối với một số lãnh đạo Bộ Công thương và EVN. Các Thứ trưởng Bộ Công thương là ông Hoàng Quốc Vượng và Đỗ Thắng Hải, phụ tá của ông Trần Tuấn Anh, đều đã bị khởi tố và bắt tạm giam trong tháng 1/2024.
Trước đó, vào trung tuần tháng 12/2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận về những sai phạm của ông Trần Tuấn Anh, là “gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của nhà nước”. Đó là chưa kể tới, giới quan sát và giới thạo tin tiết lộ, Trần Tuấn Anh là kẻ đứng sau và là tổng chỉ huy nhóm lợi ích điện lực.
Theo giới quan sát chính trị Việt Nam, việc ông Trần Tuấn Anh phải thôi các chức vụ lần này, đã cho thấy, chỉ hơn nửa nhiệm kỳ của Đại hội Đảng khóa 13, đã có đến 3 Uỷ viên Bộ Chính trị bị mất chức, đó là các ông Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh và Trần Tuấn Anh. Số uỷ viên Bộ Chính trị khóa 13 hiện nay chỉ còn lại 16 người.
Đó là chưa kể tới, một loạt các uỷ viên Trung ương Đảng, cả đương nhiệm lẫn về hưu, đã bị kỷ luật, khởi tố bắt giam, như Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng… và mới nhất là Lê Đức Thọ, Trần Đức Quận, Nguyễn Nhân Chiến…. Đây là điều chưa từng có xảy ra trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay.
Tuy nhiên, việc Tổng Bí thư Trọng đã phải chấp nhận để Ủy viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh về vườn, là thêm một bằng chứng cho thấy sự thất bại trong công tác nhân sự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Công luận lâu nay vẫn đánh giá và khẳng định rằng, Trần Tuấn Anh là kẻ bất tài, háo sắc và vô đạo đức, chưa đủ tiêu chuẩn để làm một công dân bình thường.
Nhưng Trần Tuấn Anh, nhờ là con của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, người là ân nhân, đã giúp cho ông Trọng một lá phiếu mang tính quyết định, để Trọng trở thành Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Đại hội Đảng Khóa 11 (2011 – 2015), nên đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ưu ái quá mức, tới mức khó có thể chấp nhận được.
Đó là lý do vì sao, tại các kỳ bỏ phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến nay, kết quả cho thấy, Trần Tuấn Anh luôn đội sổ về số phiếu tín nhiệm thấp.
Công luận đặt câu hỏi, tại sao những sai phạm trầm trọng của cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, là những sai phạm mang tính hệ thống trong cả nhiệm kỳ Đại hội 12, nhưng không bị xử lý. Hơn nữa, Tổng Bí thư Trọng còn cố gắng đưa Trần Tuấn Anh vào danh sách nhân sự chủ chốt, để cơ cấu vào Bộ Chính trị Đại hội 13, và giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương?
Để rồi, cuối cùng, đến nay vẫn phải buộc thôi việc?./.
Trà My – Thoibao.de
31.1.2024