Vơ vét chưa đủ, Tổng Trọng tổng lực cho in sách để hốt cú chót?

Trong vòng chỉ hơn 1 năm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã có ít nhất bốn lần in và phát hành các tuyển tập chính trị của chính ông.

Ngày 14/11/2023, cuốn “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” ra mắt.

Cuối tháng 5/2023, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa Xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam”, và cuốn “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đã được ấn hành.

Trước đó, đầu năm 2023, ra đời cuốn sách“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, dày hơn 600 trang và có gần 100 hình ảnh minh hoạ. Cuốn sách này được Ban Nội chính Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và ra mắt công chúng.

Mới nhất, ngày 2/2, báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Ra mắt hai cuốn sách mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Báo Tuổi Trẻ giới thiệu, 2 cuốn tuyển chọn gồm các bài nói, bài viết, bài phát biểu… tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong ba năm 2021 – 2023 vừa ra mắt bạn đọc.

Công luận thấy rằng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, trong những năm cuối đời, đã có các biểu hiện về sự “lạm dụng”, khi cho in và xuất bản quá nhiều sách lý luận, với số lượng hàng chục nghìn ấn bản cho mỗi đầu sách.

Đồng thời, công luận đặt câu hỏi: “Sách chống tham nhũng của Tổng Bí thư in ra cho ai đọc?”

Cộng đồng mạng còn nêu nghi vấn, theo đó, Tổng Trọng lấy tiền ngân sách để “đánh bóng” tên tuổi của mình, trước khi kết thúc sự nghiệp chính trị. Quan trọng hơn, việc này sẽ mang lại cho ông Nguyễn Phú Trọng một lượng tiền nhận bút không hề nhỏ. Đó là, chưa kể chi phí cho việc tổ chức các buổi lễ ra mắt sách rầm rộ, và không ít tốn kém.

Tổng Trọng là người được cho là nổi tiếng với công cuộc chống tham nhũng, hay còn gọi là “đốt lò”. Theo tổng kết của Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng, thì:

“Trong năm 2023, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kỷ luật 606 tổ chức Đảng, và 24.162 đảng viên. Số lượng đảng viên bị kỷ luật năm 2023, đã tăng 12% so với năm 2022. Số đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng là 459 người; 8.863 đảng viên bị kỷ luật do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

 Đã kỷ luật 105 người thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Trong số này, có 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật, khởi tố bắt giam do liên quan đến tham nhũng.”

Điều đó cho thấy, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Trọng trong hơn 8 năm qua, đã thực sự lâm vào bế tắc.

Càng chống thì tham nhũng càng gia tăng, không hề có biểu hiện suy giảm. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, thực chất chỉ mang hình thức, nhằm đánh bóng tên tuổi cho Tổng Trọng mà thôi.

Vậy, việc xuất bản và phát hành các ấn phẩm lý luận của Tổng Trọng, về việc Chống tham nhũng, thử hỏi có ích lợi gì?

Công luận lâu nay vẫn có luồng ý kiến đánh giá, và nghi ngờ Tổng Trọng không trong sạch, thông qua việc ông Trọng từ chối, không chịu công khai tài sản theo quy định của Đảng.

Chính sách phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, không coi trọng việc kiểm soát tài sản của các quan chức, công chức. Các cơ quan của Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, yêu cầu lãnh đạo phải kê khai đúng, đủ, các biến động của tài sản hàng năm. Thậm chí, thời hạn kê khai là 6 tháng, đối với các công chức công tác ở những ngành nghề dễ tham nhũng.

Vậy mà Tổng Trọng không chỉ không gương mẫu, để nêu gương. Cụ thể, chiều 17/6/2018, Tổng Trọng cùng các Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Hà Nội, đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy. Tổng Trọng phát biểu rằng, “vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân”.

Đó là một phát biểu mang tính tránh né, không chịu kê khai tài sản theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Nếu Tổng Trọng thực sự trong sạch, không tham nhũng, không có những tài sản bất minh, thì tại sao không dám công khai tài sản, lại viện dẫn là “liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân”?

Điều đáng lo ngại hơn, đó là, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng in hàng loạt sách như vừa kể, thì Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, cũng noi theo. Hai ông này cũng cho in những cuốn sách dày hàng trăm trang, với tựa đề dài dằng dặc như khẩu hiệu không kém./.

 

Trà My – Thoibao.de

5.2.2024