Chạy tội cho Trần T. Anh là bằng chứng Tổng Trọng “đốt lò” chọn củi?

Ngày 31/1, ông Trần Tuấn Anh, cựu Bộ trưởng Công thương, đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho thôi tất cả các chức vụ, theo đơn xin nghỉ và được Trung ương Đảng chấp nhận.

Như vậy, Trần Tuấn Anh là Ủy viên Bộ Chính trị thứ 3 bị loại khỏi Bộ Chính trị khoá 13 (2021 – 2026), sau ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Phạm Binh Minh.

Về lý do chấp nhận để ông Trần Tuấn Anh nghỉ, theo thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đó là: “ông [Tuấn Anh] phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính.”

Nội dung thông cáo trên đã lập tức gây ra cơn bão trên các diễn đàn chính trị và mạng xã hội Facebook. Đa số ý kiến cho rằng, kết luận này không phản ánh đúng bản chất của vụ việc, mang tính tránh né và bao che.

Trên thực tế, những sai phạm của ông Trần Tuấn Anh theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là hết sức nghiêm trọng, cần phải khởi tố hình sự và bắt giam đối với ông thì mới thỏa đáng.

Theo Facebooker Nguyễn Thiện từ thành phố Hồ Chí Minh viết ý kiến trên trang Facebook cá nhân, nhận xét rằng:

“Nếu Thủ tướng hay một Phó Thủ tướng để một bộ do mình phụ trách xảy ra nhiều bê bối, nếu vị lãnh đạo đó không trực tiếp gây ra sai phạm thì xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu bằng cách cho thôi chức, tôi nghĩ là thuyết phục.

Nhưng để hàng loạt chuyện xảy ra tại một bộ, trong thời gian dài như Bộ Công thương, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội, dư luận bức xúc, mà bảo Bộ trưởng chỉ chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, còn cấp dưới thì xử lý hình sự, thì không cách nào thuyết phục được tôi!”

Đồng tình với ý kiến của nhà báo Nguyễn Thiện, số đông cho rằng, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương hoàn toàn trái ngược với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương đồng nghĩa với việc, ông Trần Tuấn Anh đã rũ sạch mọi tội lỗi. Ông chỉ chịu “trách nhiệm chính trị” của người đứng đầu, tương tự như hình thức kỷ luật đối với cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Nghĩa là, ông Tuấn Anh hoàn toàn không liên quan đến các sai phạm nghiêm trọng trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Điều vừa kể càng chứng minh cho thấy, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ lợi dụng việc chống tham nhũng để đấu đá thanh trừng lẫn nhau, trong nội bộ Đảng. Còn những kẻ tham nhũng là tay chân của lãnh đạo Ban Chỉ đạo chống tham nhũng, hay những cán bộ lãnh đạo có mối quan hệ tốt với ông Nguyễn Phú Trọng, thì vô can.

Giới quan sát nhận xét rằng, rõ ràng Tổng Trọng “đốt lò” theo cách có chọn lựa, chỉ nhắm vào những người có biểu hiện không tuân thủ hay chống đối lại cá nhân ông. Điều đó cho thấy, hoàn toàn không có chuyện“công cuộc chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, như Tổng Trọng vẫn tuyên bố.

Đánh giá về ông Trần Tuấn Anh, lâu nay, dư luận xã hội cho rằng, ông là một chính trị gia trẻ tuổi, nhưng đã có rất nhiều bê bối về đạo đức, khiến cho dư luận xã hội hết sức bất bình. Điển hình, vào tháng 1/2019, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã phải gửi thư, chính thức công khai xin lỗi công luận, về việc cho xe công vụ của Bộ Công thương đến tận chân cầu thang máy bay để đón vợ con, theo cách thức đón các lãnh đạo cao cấp của Đảng.

Trước đây không lâu, trên mạng xã hội đã không ít lần rộ tin đồn rằng, đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, sẽ bị khởi tố và bắt giam. Song giới thạo tin khẳng định, Trần Tuấn Anh là con trai cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, là ân nhân, người đã giúp cho ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiên, tại Đại hội Đảng khóa 11, nên sẽ bình an vô sự.

Từ trước tới nay chưa từng có tiền lệ về việc khởi tố, bắt giam, đối với con cái của tứ trụ. Phải chăng, đó là lý do, trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam gần đây, đã có rất nhiều cá nhân không xứng đáng, không đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, nhưng vẫn được bổ nhiệm, chiếm giữ nhiều cương vị, nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng.

Đó là một trong những lý do khiến cho công cuộc chống tham nhũng của Tổng Trọng không hiệu quả. Càng chống thì tham nhũng càng phát triển, như nấm mọc sau mưa.

Pháp luật phòng chống tham nhũng của Việt Nam đã quy định rất cụ thể, rõ ràng, vậy tại sao ông Trọng không chủ trương áp dụng triệt để và nghiêm ngặt, mà lại coi “chống tham nhũng là ta tự đánh ta”, để rồi “không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt?”. Từ đó, ông dung túng cho Trần Tuấn Anh, là một ví dụ điển hình.

Phải chăng, có một chủ trương lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với phương châm “Chống tham nhũng để nuôi tham nhũng”. Bất kể quốc nạn tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã và đang là một khối u ác tính, đã di căn ở giai đoạn cuối?./.

 

Trà My – Thoibao.de

7.2.2024