Ngày 6/2, RFA Tiếng Việt có bài “Đảng chống tham nhũng có chọn lọc: “bên trọng, bên khinh”!”
Theo đó, sau hàng chục vụ án tham nhũng bị phanh phui, một số nhà quan sát cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng “đốt lò” một cách có chọn lọc, chỉ nhắm vào những người chống đối ông trong Đảng mà thôi.
RFA nhắc đến việc nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị khiển trách, 2 Thứ trưởng Bộ Công thương là ông Hoàng Quốc Vượng và Đỗ Thắng Hải bị khởi tố và bắt tạm giam trong tháng 1/2024.
Trong khi đó, ông Trần Tuấn Anh, cựu Bộ trưởng Công thương chỉ bị cho thôi chức vụ theo đơn xin nghỉ và được Trung ương Đảng chấp nhận. Đây là người thứ 3 bị loại khỏi Bộ Chính trị khoá 13 (2021 – 2026).
RFA dẫn lời cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng, nhận định:
“Đương nhiên là ông Trần Tuấn Anh có sai phạm thì mới bị kỷ luật, nhưng mà trong hệ thống này, thì ai cũng sai phạm cả, không ít thì nhiều. Cho nên, khi mà người này hay người kia mất chức, bị kỷ luật hay ra tòa, thì chủ yếu đó là hậu quả của cuộc thanh trừng đấu đá nội bộ bên trong mà thôi.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ nước Đức, nói với RFA rằng, đây rõ ràng là sự phân biệt đối xử giữa các đồng chí với nhau.
“Bằng chứng là ông Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã đích thân đến thăm bố mẹ của ông Trần Tuấn Anh, là ông cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Chúng ta có thể thấy rằng là, đối với những người thuộc phe cánh của những người đang có quyền lực, thì khi vi phạm sẽ được hạ cánh an toàn, còn những người đối lập ở trong Đảng, thì chắc chắn sẽ bị xử tù.”
RFA cho biết, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, vào chiều ngày 6/2 đã đến thăm và chúc Tết gia đình nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ông Trần Tuấn Anh là con trai cựu Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương.
Luật sư Đài nhận định, một trong những nguyên do giúp cho ông Tuấn Anh thoát kỷ luật Đảng, hay thậm chí là thoát án tù, là do ông này là con của một lãnh đạo nhà nước có công với Cách mạng, trực tiếp tham gia kháng chiến trước năm 1975.
RFA bình luận, đây không phải là lần đầu tiên có sự phân biệt đối xử giữa các đảng viên cấp lãnh đạo . Hồi tháng 1/2023, 3 ông thuộc uỷ viên Trung ương Đảng, gồm cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai cựu phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh, đều chỉ phải từ chức, nghỉ hưu “theo nguyện vọng”, nhưng không chịu bất kỳ hình thức kỷ luật Đảng nào, cũng không bị điều tra hình sự về các vụ đại án như “chuyến bay giải cứu” hay vụ Việt Á…
Trong khi đó, hàng loạt cán bộ cấp dưới đã bị bắt, bị khởi tố hình sự liên quan tới các vụ án này, vì các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, và lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Theo RFA, sau những đồn đoán về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, và sau lần xuất hiện ngắn ngủi của ông trong lễ khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội hôm 15/1, nhằm bác bỏ tin đồn, thì cho đến nay, ông Trọng chưa xuất hiện trở lại trong sự kiện nào.
Luật sư Đài dự đoán, ông Trọng đã không còn đủ khả năng để xuất hiện công khai trên truyền thông, và tệ hơn, có thể ông ấy không còn điều hành công việc được nữa.
“Chống tham nhũng sẽ giảm đi, giống như thời kỳ của ông Nguyễn Tấn Dũng, chỉ xử lý các quan chức ở cấp doanh nghiệp và cỡ nhỏ thôi, chứ còn các quan chức cấp tỉnh, Trung ương thì họ sẽ tìm cách thỏa hiệp với nhau, dung hòa với nhau về lợi ích để cùng chia chác lợi ích, chứ không còn chống tham nhũng như thời của ông Trọng nữa.”
Tương tự, theo ông Lê Anh Hùng, sau khi ông Trọng rời khỏi sân khấu chính trị, thì: “chống tham nhũng nó sẽ mang màu sắc khác, nó không còn quyết liệt đến mức cực đoan giống như những năm vừa qua nữa.”
Ý Nhi – thoibao.de
7.2.2024