Công ty sản xuất Bphone của ông Quảng đổ sụp, dự báo cho VinFast?

Mới đây, Công ty Điện tử BHS của ông Nguyễn Tử Quảng – biệt danh Quảng “nổ” – được lên báo. Lần này không phải để quảng bá cho một loại smartphone “không thể tin nổi” nào đó, mà lên báo với thông tin ông Quảng không hề mong muốn. Đấy là việc Công ty này đã giảm vốn từ 10 tỷ đồng, xuống còn 1 tỷ đồng, và đang lùm xùm nợ lương nhân viên.

Đây được xem là một thất bại hiển nhiên, một thất bại được báo trước, ngay từ khi ông Quảng cho ra đời smartphone đầu tiên.

Khi Iphone ra đời đã làm cho tượng đài ngành điện thoại lúc đó là Nokia phải sụp đổ. Điều đó cho thấy sức mạnh của Apple là như thế nào.

Khi ông Nguyễn Tử Quảng cho ra đời Bphone đầu tiên, ông đã định vị phân khúc của Bphone là cao cấp, ngang hàng với Iphone của Apple và Galaxy của SamSung, với giá khoảng 1.000 USD mỗi chiếc. Đây là thị phần cao cấp trong thế giới smartphone, hầu hết các hãng smartphone khác trên thế giới điều né thị phần này, và chọn phân khúc thấp hơn để tồn tại. Trong khi đó, ông Nguyễn Tử Quảng lại chọn cách húc đầu vào phân khúc cao. Tuy chỉ giới hạn ở thị trường Việt Nam, nhưng Bphone không thể trụ nổi là điều chắc chắn.

Ở các thế hệ sau, Bphone của ông Quảng xác định ở phân khúc thấp hơn Iphone và Galaxy, nhưng rồi cũng không thể trụ nổi. Ở phân khúc dưới, cũng có rất nhiều ông lớn công nghệ chiếm lĩnh, cho nên, việc hạ phân khúc sản phẩm cũng chẳng đem lại thành công cho ông Quảng. Từ cách làm thương hiệu của Bphone cho thấy, ông Nguyễn Tử Quảng không phải là nhà hoạch định chiến lược tốt.

Khách hàng nhớ đến Bphone là nhớ đến ông Nguyễn Tử Quảng, tuy nhiên, cách mà họ nhớ đến ông không tích cực chút nào. Người ta thường gọi ông Quảng là “Quảng nổ” với một thái độ nhạo báng. Và sự thật, những gì ông Quảng nói về Bphone chỉ là “nổ”, chứ không đúng với sự thật.

Nguyễn Tử Quảng bán Bphone dựa vào “lòng yêu nước”, và hiện nay, ông đã thất bại. Trong kinh doanh, uy tín chất lượng và sự trung thực làm nên thương hiệu, chứ không phải “nổ” như “bắp rang” mà có thể xây dựng được thương hiệu. Nói dối là một “độc tố” phá nát thương hiệu, không biết, khi xây dựng thương hiệu cho Bphone, ông Quảng có biết đến điều này hay không?

Công ty Điện tử BHS của ông Nguyễn Tử Quảng được cho là khốn đốn từ năm 2022, khi đấy, ông Quảng lên Facebook kêu gọi Bfans tham gia chương trình bổ sung vốn ưu đãi năm 2022. Chương trình này, ông Nguyễn Tử Quảng kêu gọi fan hâm mộ đầu tư tối thiểu là 100 triệu đồng một suất, với lãi suất 10%/năm, và sau 3 năm, nhà đầu tư nhận được cả gốc lẫn lãi.

Để gọi vốn, thông thường, ông Nguyễn Tử Quảng có thể tìm đến ngân hàng hoặc tìm đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông Quảng lại kêu gọi người hâm mộ góp trực tiếp. Điều này cho thấy, ông Quảng không thể huy động vốn từ ngân hàng và không đủ khả năng phát hành trái phiếu hay cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Đấy là dấu hiệu thể hiện, Bphone không có sức khỏe tài chính.

Việc Công ty Điện tử BHS sắp đổ sụp là một kết quả nhãn tiền về lối kinh doanh thiếu bài bản, đặc biệt là sự thiếu trung thực trong việc xây dựng thương hiệu, và núp sau “lòng yêu nước” để kinh doanh.
Hiện nay ở Việt Nam, một hãng xe điện đình đám cũng đang núp sau lưng “lòng yêu nước” để bán xe, thay vì xây dựng thương hiệu bằng uy tín, chất lượng và sự trung thực.

Tất cả các thương hiệu lớn trên thế giới, chẳng ai cậy nhờ vào lòng yêu nước cả. Người Hàn Quốc chuộng xe Hyundai và điện thoại SamSung vì nó chất lượng, chứ không phải họ dùng nó vì lòng yêu nước. Khi người dân vì lòng yêu nước mà bỏ tiền ra mua một sản phẩm không tương xứng với số tiền họ bỏ ra, thì sẽ không ai mua sản phẩm đó lần thứ hai. Không ai lại muốn tiếp tay cho kẻ chuyên lợi dụng người khác. Một lần bị lợi dụng thì sẽ khôn ra, không ai dại mãi để bị móc túi vì cái gọi là “lòng yêu nước”.

Bphone đã “đến đích”, còn VinFast thì khi nào? Hãy chờ xem!

Trà My – Thoibao.de

9.2.2024