Vụ bê bối xe còi hụ ở Hà Tĩnh, liệu Huệ Vương có trảm để lấy điểm?

Chuyện bà Nguyễn Thị Lệ Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh dùng xe “biển xanh” gắn còi, đèn ưu tiên, chạy vào sân bay Vinh đón con gái, gây bất bình trong công luận. Tới mức, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phải lên tiếng chỉ đạo xử lý vụ việc đầy tai tiếng này.

Báo VietNamnet ngày 7/2 đưa tin, “Bí thư Hà Tĩnh chỉ đạo xử lý vụ xe công dùng đèn ưu tiên đón người nhà lãnh đạo”. Bản tin cho biết, trao đổi với báo chí, Bí thư Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, đã nắm được sự việc kể trên, và Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh sẽ kiểm điểm nghiêm túc sự việc.

Công luận bày tỏ sự bất bình sau khi trên mạng xã hội, vào sáng 7/2, lan truyền một video clip cho thấy hình ảnh một chiếc xe công vụ mang biển số xanh, biển kiểm soát 38A-066.88, khi chạy vào sân bay Vinh đón người, đã bật đèn và hụ còi ưu tiên.

Chủ tịch Hội Phụ nữ Hà Tĩnh Nguyễn Thị Lệ Hà đã thừa nhận sử dụng xe công sai mục đích. Nhưng dù bà Hà nhận sai, thì bà vẫn tiếp tục hứng chịu nhiều chỉ trích trên mạng xã hội.

Đặc biệt, với thông tin mà báo Hà tĩnh đã đưa, về việc ông Vũ Đình Thắng – phóng viên tạp chí Công nghiệp Môi trường, bị Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Hà Tĩnh phạt 4 triệu đồng, chỉ vì gọi điện cho bà Hà để xác minh vụ việc bà này dùng xe công vụ và còi hụ khi đón con ở sân bay Vinh.

Đó là lý do vì sao, công luận tỏ ra không tin tưởng vào việc Bí thư Hà Tĩnh đã cam kết, rằng, “Thường trực Tỉnh ủy sẽ kiểm điểm nghiêm túc”.

Nhà báo Bạch Hoàn, trên trang Facebook cá nhân đã đưa ra bình luận:

“Nhà báo phải nộp vào ngân sách một số tiền đáng kể, với hành vi hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ mục đích. Vậy, chiếc xe công chạy vào sân bay đón rước con cái chị được cho là Chủ tịch Hội kia, cũng hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, đúng không?

Vì lẽ đó, phạt nhà báo thì cũng phải xử lý cái vụ xe công vào sân bay đón rước kia chứ!?”.

Đại tá Công an Phạm Xuân Cần, giảng viên những khóa đầu tiên của Đại học Công an, cho rằng:

“Vụ xe biển xanh, còi hụ đón con, muốn người ta quên đi còn chưa được, thì Sở 4T lại đè cổ phóng viên phạt 4 triệu! Ăn chi mà khun rứa bây?”

Còn Luật sư Trần Vũ Hải, cũng trên trang Facebook cá nhân, đã đặt câu hỏi: “Sử dụng xe công vào mục đích cá nhân bị phạt bao nhiêu tiền?” Đồng thời Luật sư Hải cũng dẫn câu trả lời, theo đó:

“Theo Điều 8, Khoản 2, Tiết C, Nghị định 63/2019, người nào sử dụng xe công vào mục đích cá nhân bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu.

Pháp luật cũng không cấm phạt và nộp phạt vào thời gian những ngày nghỉ, kể cả dịp Tết. Vậy sáng mai 30 Tết, cơ quan chức năng cứ ra quyết định xử phạt và chị Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Hà tĩnh cứ tự nguyện nộp phạt 20 triệu cho nhân dân cả nước không thắc mắc nữa.”

Qua tìm hiểu phóng viên của thoibao.de, được biết, theo các quy định hiện hành của Việt Nam, xe được gắn còi, đèn ưu tiên, gồm xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, xe cứu thương, xe hộ đê… hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp.

Đối với ô tô gắn đèn phát tín hiệu ưu tiên trái phép, có thể bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng, bị tịch thu thiết bị, người lái bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Bên cạnh đó, người nào sử dụng xe công vào mục đích cá nhân, hoặc phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, các quy định của nhà nước nêu rõ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, tình trạng sử dụng xe công vào việc riêng đã trở thành một hiện tượng phổ biến, đã bị dân chúng và ngay cả truyền thông nhà nước không ít lần lên án. Đó chính là biểu hiện của hành vi “tham nhũng quyền lực” của quan chức nhà nước.

Công luận thấy rằng, khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường giáo huấn lãnh đạo Việt Nam, rằng, họ phải là “đầy tớ của nhân dân”. Nhưng rõ ràng, hiện nay, lãnh đạo Việt Nam đã trở thành “cha mẹ của nhân dân”.

Mà vụ việc phóng viên Vũ Đình Thắng bị phạt 4 triệu đồng, chỉ vì gọi điện cho bà Hà để hỏi về việc sử dụng xe công sai mục đích, không chỉ là quyền của phóng viên báo chí, mà tối thiểu cũng là việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân, theo quy định của luật pháp Việt Nam.

Cỡ như Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, một nhân vật bị đánh giá là đạo đức kém, mà còn biết phải viết thư “xin lỗi nhân dân” và rút ra “bài học sâu sắc”, vào đầu tháng 1/2019. Bà Hà, với một chức danh tép riu, thì còn chờ gì nữa Ban lãnh đạo Hà Tĩnh không trảm ngay tức thì, để xóa đi tiếng xấu lâu nay – “vương quốc vô luật pháp”./.

 

Trà My – Thoibao.de

9.2.2024