Quan chức Việt nam là nạn nhân hay tội đồ của “Tổng Bạc”?

Lâu nay, các quan chức trong bộ máy Đảng và nhà nước ở Việt Nam, dưới con mắt của đa số dân chúng, đều là lũ “sâu dân mọt nước”, ăn không từ một thứ gì của dân.

Trên trang Chân Trời Mới, gần đây có một bình luận tỏ ra thương xót cho các quan chức Cộng sản, khi cho rằng:

“Chính trị gia trong thể chế Cộng sản, cho dù đương chức hoặc “về làm người tử tế”, vẫn ăn không ngon, ngủ chẳng yên, lo sợ đủ điều. Quan địa phương thì sợ bị khởi tố, phải cống nộp lại tài sản cướp được cho đồng Đảng. Quan triều đình, cao cấp, thì sợ bị biến thành “củi”.”

Một câu hỏi mà công luận đặt ra, đó là, “quan chức Việt Nam hiện nay, là nạn nhân hay tội đồ?”

Sau Đại hội Đảng lần thứ 12 (2016), Tổng Trọng khi đó đã nổi tiếng với đường lối cứng rắn, được một bộ phận trong Đảng và người dân ca ngợi là người “đốt lò vĩ đại”, với chiến dịch chống tham nhũng, tiêu cực, trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giới phân tích đánh giá, “lò lửa” của ông Trọng không những thiêu rụi sự nghiệp chính trị của nhiều quan chức, từ Trung ương đến địa phương. Mà còn thiêu rụi cả các lãnh đạo doanh nghiệp quốc doanh, mà còn lan sang cả những lĩnh vực tưởng chừng là bất khả xâm phạm, là Công an và Quân đội.

Dù rằng, quốc nạn tham nhũng ở Việt Nam được coi là giặc nội xâm. Nhưng, trên thực tế, ông Nguyễn Phú Trọng người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, bị cáo buộc đã chủ trương coi tham nhũng lại là một loại dầu mỡ bôi trơn, không thể thiếu cho bộ máy tham nhũng mà Tổng Trọng là người vận hành.

Tại sao lại nói như vậy?

Tham nhũng là nguồn cơn, là gốc rễ của sự giàu có của các quan chức Việt Nam hiện nay. Nhưng tại sao, cách làm giàu bất chính của quan chức mang tính hệ thống, trong một thời gian dài, vẫn không bị vô hiệu hóa? Và vì sao, Tổng Trọng lại không áp dụng nghiêm các quy định của pháp luật, để ngăn chặn triệt để?

Pháp luật về phòng chống tham nhũng hiện hành ở Việt Nam đã quy định rất cụ thể, rõ ràng. Vậy tại sao, Tổng Trọng và Ban lãnh đạo Đảng nói chung, lại không chủ trương áp dụng triệt để và nghiêm ngặt? Mà ngược lại, họ coi rằng, “chống tham nhũng là ta tự đánh ta” , để rồi “không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt?”

Đó là lý do vì sao, công cuộc đốt lò của ông Trọng, đốt hoài, đốt mãi vẫn không hết củi. Công luận hoài nghi và đặt câu hỏi: “Chống Tham nhũng” hay “Tham nhũng” là chủ trương lớn của Đảng?”

Công luận cho rằng, chưa bao giờ, Đảng Cộng sản Việt Nam lại để xảy ra tình trạng cán bộ chạy chức, chạy quyền, mua ghế, xảy ra trầm trọng như thời mà ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư.

Thậm chí, có những cáo buộc cho rằng, Tổng Trọng còn chủ động bật đèn xanh, tạo điều kiện cho tay chân thân tín thao túng, môi giới, khiến tình trạng cán bộ chạy chức, chạy quyền, mua chức bán tước, trở nên phổ biến. Nhất là, với cách làm độc đoán, thiếu minh bạch trong công tác nhân sự, công luận nghi ngờ rằng, ông Trọng tay phải sắp xếp nhân sự, tay trái cho đàn em bán chức, thì có ai biết đâu mà lần?

Đó là lý do, trong các kỳ Đại hội Đảng gần đây, dư luận hay thắc mắc, tại sao các quan chức lứa mới được bổ nhiệm, toàn là loại lãnh đạo vươn lên bằng mánh khoé, thủ đoạn chính trị, tiền bạc, để thăng tiến.

Để rồi, cứ đến hẹn lại lên, không ít cán bộ với mảnh bằng bổ túc văn hóa vài ba năm, từ cấp xã nhảy lên cấp huyện, rồi nhảy lên cấp tỉnh. Anh nào tốt số được “luân chuyển”, lập tức tót lên Trung ương, kể cả lọt vào Bộ Chính trị cũng chẳng mấy chốc. Đương kim Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên là một ví dụ.

Nhưng với điều kiện bắt buộc là, mỗi nấc thang danh vọng, muốn có quyền thì phải đi đôi với có tiền chi ra để mua ghế. Vốn ít thì mua ghế nhỏ, đi kèm với bổng lộc khiêm tốn, gom góp đôi ba năm, có món kha khá nặng tay lại mua ghế cao hơn. Bởi quy luật bất thành văn của lũ quan chức thăng tiến ngày nay, đó là, tiền nào thì mua ghế ấy, và ghế càng to thì bổng lộc càng nhiều, thì chi cũng phải lớn.

Quy trình nhân sự “mua quan, bán chức” như vậy đã tạo ra một vùng xoáy, hút biết bao quan chức Việt Nam lao vào, như những con thiêu thân lao vào biển lửa, biết chết nhưng vẫn cố để lao vào chỗ chết.

Đó cũng là lý do, vì sao hiện nay, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam lại diễn ra tình trạng đấu đá, tranh giành quyền lực triền miên, không có hồi kết. Bởi càng leo lên cao, các lãnh đạo mới cảm thấy an toàn. Nếu không, để sa cơ, lỡ bước rời ghế, thì đối thủ phía bên kia sẽ làm thịt ngay lập tức. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ở trong tình trạng như vậy. Đây chính là hệ quả của việc chọn lọc nhân sự, dựa trên việc mua quan, bán chức là chủ yếu.

Tóm lại, các quan chức Việt Nam hiện nay, vừa là tội đồ, nhưng cũng vừa là nạn nhân của một thể chế chính trị độc đoán, độc tài, do một cá nhân lãnh đạo. Đồng thời thiếu sự minh bạch, cũng như thiếu vắng cơ chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực cần thiết phải có./.

 

Trà My – Thoibao.de

11.2.2024