Cái gốc của tham nhũng là quyền lực tuyệt đối

54 cục hột xoàn trong làng cán bộ

Ngày 18/2, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “54 cục hột xoàn trong làng cán bộ” của blogger Nguyễn Nhơn.

Tác giả nhắc lại, tháng 9/2023, Chính phủ (vui mừng) báo cáo: Đã phát hiện 54 cán bộ không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Tác giả châm biếm, 54 cán bộ này quý hiếm cũng phải cỡ cao hổ cốt, mà là loại hổ bạch tạng có cha là cảnh sát giao thông còn mẹ là cán bộ tuyên giáo vậy.

Bởi vì, họ được lọc ra trong tổng số gồm đến hơn 60.000 người kê khai tài sản lần đầu + hơn 500.000 người kê khai tài sản hàng năm + hơn 44.000 người kê khai tài sản bổ sung + gần 162.000 người kê khai tài sản phục vụ công tác cán bộ. Tổng cộng hơn 766.000 cán bộ phải kê khai tài sản và thu nhập, mà chỉ có 54 cán bộ chơi ăn gian bị phát hiện.

Tác giả mỉa mai: Thần tình! Có nghĩa là số cán bộ kê khai trung thực, thanh liêm, trong sạch chiếm đến tuyệt tuyệt tuyệt đại đa số!

Theo tác giả, cũng chính báo cáo của Tổng thanh tra Chính phủ cho hay, năm ngoái đã thụ lý điều tra hơn 1.100 vụ án, xác định gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng, những người này đều thuộc diện phải kê khai tài sản. Thế mà, chỉ có 54 cán bộ bị phát hiện.

Tác giả tiếp tục nhạo báng, với khả năng phi thường như thế, 54 cụ nọ quả thật là rồng trong loài người, là 54 cục hột xoàn trong làng cán bộ chứ còn gì nữa!

Tác giả liệt kê ra sự giàu có của quan chức, từ biệt phủ của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, đến biệt thự xây trên đất nông nghiệp của nguyên Phó ban Nội chính Đắk Lắk Nguyễn Sỹ Kỷ, rồi biệt thự vài chục tỷ của nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý… Đồng thời, cũng liệt kê ra những sai phạm của các vị này.

Nhưng, theo tác giả, chuyện khoe của đập vào mắt như thế xưa rồi. Bây giờ các quan chức cao cấp khôn hơn nhiều. Họ không khoe dinh thự đồ sộ hay xe sang, đá quý… nên cũng không phải vắt óc nghĩ ra các lý do giải thích.

Tác giả kể ra sự giàu có của quan chức, như cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, chỉ việc gọi thư ký, bảo đang cần 2,25 triệu tiền Mỹ, tức thì, 2 triệu tự nó vác xác chạy đến.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh thì giàu đến nỗi Việt Á tặng 200.000 đô la Mỹ, mà ông cư xử với nó chẳng khác gì 2.000 đồng, khi quăng lung tung rồi quên mất.

Còn cựu Trợ lý Nguyễn Quang Linh của cựu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì chỉ “làm việc” với hai doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay giải cứu, thì đã nhận được hơn 4,2 tỷ đồng.

Tác giả cho rằng, nếu không bị phát hiện, bọn họ đều sẽ tiếp tục giữ những chức vụ to lớn, tiếp tục kê khai tài sản đều đặn, và tiếp tục đạt được đánh giá trung thực, liêm khiết.

Thực tế tréo ngoe đó chứng minh kê khai tài sản và thu nhập không thể khiến cán bộ rụt tay. Thủ tục đầy tính hình thức này chỉ gây mất thời gian, tốn giấy mực và đem lại những con số ảo để mị một số người dân ngây thơ.

Tác giả nhận định, từ khi manh nha ý đồ tham nhũng thì các quan đều đã dày công vạch ra hẳn kế hoạch phân tán tài sản, xóa dấu vết các khoản tiền đến, và tạo vỏ bọc đời sống sinh hoạt bình thường, để không thu hút sự chú ý của dư luận rồi. Chả lẽ, các anh các chú kê ra mảnh đất này là doanh nghiệp kia biếu, tòa nhà kia là doanh nghiệp nọ tặng cơ chứ, bị điên à!

Tác giả kết luận, cái gốc của tham nhũng ở Việt Nam là quyền lực được tuyệt đối hóa, dẫn đến quyền lợi cực độ béo bở đi kèm với đãi ngộ chính thức bạc bẽo. Bảo những ông vua con đang hết sức phè phỡn rằng, hãy trung thực thật thà, thì thật là chuyện nhạt đến nỗi cười không nổi.

 

Minh Vũ – thoibao.de