Sự trơ tráo của VietJet

Sự trơ tráo của bà Thảo?

Ngày 18/2, BBC Tiếng Việt loan tin “Toà án Anh yêu cầu VietJet không can thiệp việc thu hồi máy bay mà hãng thuê nhưng nợ tiền”.

Theo đó, một tòa án ở Anh đã ra lệnh cho hãng hàng không VietJet Air của Việt Nam, không can thiệp vào việc thu hồi và đưa ra khỏi Việt Nam các máy bay phản lực mà hãng này thuê, nhưng nợ tiền không trả.

BBC cho biết, đây là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh chấp khiến thị trường hàng không Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý.

Công ty FW Aviation đã thu hồi 4 máy bay Airbus A321 mà hãng VietJet thuê. Hành động này diễn ra sau khi FW Aviation cáo buộc hãng hàng không này nợ tiền thuê từ năm 2021, tức là vi phạm hợp đồng thuê máy bay.

Tuy nhiên, theo BBC, trong phiên điều trần trực tuyến hôm thứ Sáu (16/2), bên cho thuê FW Aviation đã cáo buộc VietJet âm thầm cố gắng cản trở quá trình này, bằng cách can thiệp vào việc đưa 1 trong những máy bay chở khách này ra khỏi Việt Nam.

BBC cho hay, cuộc tranh chấp đang diễn ra tại các tòa án ở London, Singapore và Hà Nội, được coi là bài kiểm tra cho quyền lợi của bên cho thuê máy bay tại Việt Nam, quốc gia đã đặt hàng hàng trăm máy bay Airbus và Boeing, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quy định quốc tế nói chung về cho thuê tài sản.

Trong khi đó, BBC dẫn lời luật sư của VietJet, Alexander Milner, phủ nhận hành động ngăn chặn việc đưa chiếc máy bay ra khỏi Việt Nam của hãng này. Đồng thời, vị luật sư này đưa ra ảnh chụp những bức thư giữa bên cho thuê và cơ quan hải quan Việt Nam, để chứng minh, VietJet không chịu trách nhiệm tại tòa án Vương quốc Anh, đối với vấn đề giữa FWA và cơ quan hải quan của Việt Nam.

FWA khẳng định, VietJet đã bí mật liên lạc với chính quyền Việt Nam, và đã lấy được những bức ảnh này.

Vẫn theo BBC, Công ước Cape Town năm 2001, nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong hoạt động cho thuê máy bay và củng cố ngành này. Các hãng hàng không ở các quốc gia thành viên bị coi là vi phạm quy định, có thể phải đối mặt với việc phải trả lãi suất cao hơn khi thuê máy bay trong tương lai.

BBC cho biết thêm, Việt Nam là chiến trường mới nhất về quyền của bên cho thuê sau tranh chấp ở Ấn Độ và Nga.

Nhóm Công tác Hàng không, một tổ chức có trụ sở tại Anh chuyên giám sát luật tài chính, thay mặt cho các nhà sản xuất máy bay và bên cho thuê, năm ngoái đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về việc tuân thủ Hiệp ước Cape Town và tái khẳng định động thái này vào tháng 10.

Trước đó, vào tháng 12/2022, BBC Tiếng Việt loan tin, VietJet vướng vào vụ kiện 155 bảng Anh thuê phi cơ.

Theo đó, VietJet bị kiện tại Tòa Thượng thẩm Anh, trong vụ kiện thương mại liên quan tới khoản nợ 155 triệu bảng Anh, cộng với tiền lãi phải trả ở mức ít nhất là 31 ngàn bảng một ngày.

Đơn khởi kiện được nộp vào ngày 26/8/2022, do hãng FW Aviation (Holdings) 1 Limited đệ trình, và VietJet đã nộp giải trình vào hôm 7/12/2022.

BBC cho hay, trong đơn giải trình, VietJet cho rằng, việc chậm thanh toán tiền thuê là bình thường, do ảnh hưởng của đại dịch và của việc áp dụng phong tỏa các quốc gia, dẫn đến việc hãng phải tạm ngưng hoạt động.

VietJet bác bỏ việc họ vi phạm thỏa thuận thuê, và bác bỏ việc họ nợ “bất kỳ khoản nào nêu trong đơn kiện”.

Có thể thấy, lý lẽ của VietJet khá “hùng hồn”, theo cách “vừa ăn cướp, vừa la làng”. Bởi việc đi thuê tài sản nhưng không chịu trả tiền thuê, và cũng không chịu trả lại tài sản đi thuê, thì rõ ràng là hành động của một kẻ ăn cướp.

Đồng thời, việc chính quyền Việt Nam bao che cho hành động ăn cướp của VietJet đã bôi xấu bộ mặt của chính quyền, trước cộng đồng quốc tế. Có lẽ, những người Cộng sản, những doanh nhân xuất thân từ Cộng sản, không hiểu được “nhục quốc thể” là gì, vì sự trơ tráo của họ đã chứng minh điều đó.

 

Quang Minh – thoibao.de