Hoạ vô đơn chí – Brazil dừng nhập cá rô phi Việt Nam

“Hoạ vô đơn chí” – Brazil dừng nhập cá rô phi Việt Nam!

Ngày 20/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Brazil dừng nhập khẩu cá rô phi Việt Nam từ ngày 14/2/2024”.

Lý do được cơ quan chức năng Brazil đưa ra là, cá rô phi Việt Nam nhiễm bệnh do virus TiLV gây ra.

RFA dẫn Thông tấn xã Việt Nam, loan tin ngày 20/2, với thông báo của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường, thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Việt Nam, theo đó, cá rô phi Việt Nam không được nhập vào thị trường Brazil, cho đến khi cơ quan chức năng nước này có kết luận rà soát rủi ro về cá nhiễm bệnh.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường cho biết, vào ngày 14/2 vừa qua, Cục này đã nhận được công thư của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil, về quyết định dừng nhập khẩu cá rô phi cho đến khi có thông báo mới.

RFA cho hay, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, tổng kim ngạch cá rô phi xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 chỉ đạt hơn 6 triệu USD, giảm 42% so với năm 2022. Trong đó, EU nhập chừng 2 triệu USD, giảm 34%, Mỹ nhập 1 triệu USD, giảm 71% so với năm 2022.

Việt Brazil ngừng nhập cá rô phi, có thể coi là một động thái “hoạ vô đơn chí” với Việt Nam, bởi Việt Nam đang có nguy cơ bị thẻ đỏ của EU.

Trước đó, Việt Nam đã bị Uỷ ban châu ÂU EC phạt thẻ vàng đối với ngành thuỷ sản, từ tháng 10/2017, vì khai thác thuỷ sản bất hợp pháp và không khai báo, không theo quy định IUU.

Ngay sau khi bị thẻ vàng, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã giảm sâu vào năm 2018, ở mức trung bình là 25%, có tháng giảm đến 41%.

Tháng 4/2024, EC sẽ có đợt thanh tra lần thứ 5 đối với thuỷ sản Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam gỡ thẻ vàng, nhưng cũng có thể là thời điểm đặt dấu chấm hết cho ngành thuỷ sản Việt Nam, nếu bị phạt thẻ đỏ.

Hiện nay, theo truyền thông nhà nước, cả nước có đến 15.198 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).

Tình trạng ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá vẫn tiếp tục xảy ra phổ biến, từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 2/2024, xảy ra gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày. Và hành vi gửi thiết bị giám sát cho tàu cá khác, nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý, đang diễn biến phức tạp. Chưa kể, từ tháng 10/2023 đến nay, tiếp tục có 17 tàu với 190 ngư dân bị các nước bắt giữ.

Nếu bị EC phạt thẻ đỏ, Việt Nam không chỉ mất đi thị trường EU mà còn gặp khó khăn với những thị trường khác, bởi các nước phát triển đều có quy định tương tự nhau.

Vào tháng 9/2023, thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã giảm sâu liên tiếp, không chỉ ở thị trường EU, mà cả thị trường Mỹ và Nhật Bản, ở mức 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong nhiều năm qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhờ một phần rất lớn từ việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước phát triển. Tuy nhiên, giờ đây, mọi việc đã không còn suôn sẻ nữa.

Vì nhiều lý do khác nhau, rất nhiều mặt hàng của Việt Nam đã bị cấm nhập khẩu hoặc bị trả về. Tại Mỹ, hàng dệt may, điện tử… bị trả về hơn 1.000 lô hàng, với lý do vi phạm Đạo luật chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Điều này đã dẫn tới sự tê liệt, gần như là phá sản của ngành dệt may Việt Nam. Tại châu Âu và một số nước khác, hàng hoá Việt Nam bị “dính” tiêu chuẩn chuyển đổi xanh, và cũng bị ách tắc…

Nền kinh tế Việt Nam đang trong một giai đoạn thảm hại, có thể thấy rõ qua cái Tết buồn tẻ, vô hồn 2024 vừa qua. Liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có thể làm được gì để cứu vãn tình thế này hay không?

 

Hoàng Anh – thoibao.de