EVN Hà Nội coi thường dân

Hà Nội: tiền điện của người dân tăng đột biến, EVN nói do thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ

Ngày 3/3, RFA Tiếng Việt loan tin “Hà Nội: tiền điện của người dân tăng đột biến, EVN nói do thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ”.

Theo đó, nhiều người dân Hà Nội mới đây chia sẻ trên mạng xã hội hoá đơn tiền điện tăng đột biến, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, có nhiều hóa đơn, tiền điện tăng gấp 2 đến 3 lần so với các tháng trước đó.

RFA dẫn giải thích về việc tiền điện tăng, của đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), nói trên truyền thông nhà nước trong ngày 3/3 rằng, hoá đơn tiền điện lần này cao hơn do Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đang thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ, chuyển từ đầu tháng sang cuối tháng. Tức là, thay vì ghi chỉ số công tơ với khách hàng sinh hoạt, trải dài từ ngày 3 đến ngày 20 hằng tháng, thì từ tháng 2, việc này được thực hiện vào cuối tháng.

Do đó, EVN Hà Nội cho biết, số ngày sử dụng điện của khách hàng trong tháng 2/2024, thay vì 31 ngày như thời gian trước đây, sẽ thành tối thiểu 48 ngày đến tối đa 56 ngày sử dụng. Số tiền điện trong tháng 2/2024 được tính gộp trên sản lượng 31 ngày cộng với số ngày thay đổi. Do đó, hóa đơn tiền điện lần này thể hiện số tiền điện khách hàng phải trả cho cả tháng 1 và tháng 2. Đây cũng là lý do tiền điện cao hơn, vì số ngày tính tiền điện từ 30 ngày nâng lên thành 57 ngày.

RFA dẫn lời bà Tô Lan Phương – Trưởng ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực Hà Nội – cho biết thêm, mức sử dụng điện của từng bậc thang sẽ được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số. Vì vậy, việc ghi này vẫn đảm bảo quyền lợi cho hơn 2,8 triệu khách hàng sử dụng điện, trên toàn địa bàn thủ đô. Bởi số kWh để tính bậc thang theo giá điện, cũng được chia đều khi số ngày tăng lên.

RFA dẫn lời ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội – cho hay, việc điều chỉnh thống nhất ngày ghi chỉ số công tơ điện sẽ giúp cho quản lý ngành, việc thanh quyết toán, báo cáo số liệu thống nhất, tránh những sai sót liên quan đến việc ghi chỉ số, xuất hóa đơn.

“Đây là chủ trương đã có và Tổng Công ty đã báo cáo các cấp, để thống nhất triển khai đồng bộ, thông tin tuyên truyền cho người dân” – ông Thắng nói trên tờ Lao động.

Cách làm này của EVN Hà Nội và Sở Công thương rõ ràng là rất coi thường người dân. EVN bán điện, người dân mua điện, đây là quan hệ dân sự bình đẳng và có hợp đồng hẳn hoi. Như vậy, khi EVN muốn thay đổi, họ phải được sự đồng ý của người mua điện, hay tối thiểu, phải thông báo trước với người trước khi thực hiện, chứ không phải để dân kêu trời rồi mới giải thích. Đây là cách hành xử của bề trên đối với kẻ dưới, rất trịch thượng.

Tuy nhiên, cách hành xử này cũng không lạ, trong xã hội Cộng sản Việt Nam, tất cả các cơ quan công quyền, các doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp độc quyền như EVN, đều có cách hành xử như vậy – coi dân như cỏ rác.

RFA cho biết thêm, cũng trong ngày 3/3, tại cuộc gặp Thủ tướng với các doanh nghiệp, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thừa nhận, EVN gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, trong đó đã để xảy ra thiếu điện tại miền Bắc cuối tháng 5 đầu tháng 6. Nguyên nhân được cho là lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính, bị sụt giảm do hạn hán.

Chủ tịch EVN cam kết: “Năm 2024, EVN sẽ không để thiếu điện trong mọi tình huống, như Thủ tướng đã chỉ đạo”. Ông An cho biết, Tập đoàn đã chuẩn bị với kịch bản nhu cầu điện tăng trưởng cao, sản lượng điện toàn hệ thống có thể đạt 306,4 tỷ kWh, tăng 26 tỷ kWh so với năm 2023.

Chờ xem, EVN sẽ thực hiện cam kết này như thế nào trong mùa khô sắp tới, khi mà các dấu hiệu thời tiết cho thấy, năm 2024 sẽ là một năm hạ hán khốc liệt.

 

Xuân Hưng – thoibao.de