Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam gia tăng do chưa chọn được người kế nhiệm và sức khoẻ ông Tổng khó lường

Đảng “quyết liệt” diệt tham nhũng do tình trạng sức khỏe của tổng bí thư?

Ngày 4/3, RFI Tiếng Việt có bài “Việt Nam: Đảng “quyết liệt” diệt tham nhũng do tình trạng sức khoẻ của Tống Bí thư?”, phỏng vấn Giám đốc Nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc trường Quân sự Pháp.

Theo ông Benoît de Tréglodé, việc gia tăng chống tham nhũng ở Việt Nam cho thấy một điều, đó là cuộc chiến kế thừa vị trí của ông Nguyễn Phú Trọng đã được khởi động. Thường thì cuộc đua diễn ra vào năm trước kỳ Đại hội Đảng, giờ còn đến 2 năm, nhưng điều này diễn ra trong bối cảnh tình trạng sức khỏe khó lường của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như những tin đồn về sức khỏe của ông.

Ông Benoît de Tréglodé giải thích, năm trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, là năm đầy những chiến dịch chống tham nhũng. Cũng cần biết là, khi chính quyền Việt Nam tung một chiến dịch chống tham nhũng, thì ẩn sau những phát biểu tốt đẹp thường còn có ý đồ làm mất uy tín hoặc bỏ tù những nhân vật chủ chốt của phe cạnh tranh chính trị.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14, dự kiến tổ chức vào tháng 1/2026. Nhưng hiện tình hình sức khỏe của ông Trọng bất ổn, cho nên, chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ là chuyện bình thường. Nhưng để hiểu thực sự về việc tăng cường mạnh mẽ chiến dịch này, câu hỏi đặt ra là: Ai là người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng ?

Ông Benoît de Tréglodé cho rằng, việc gia tăng chống tham nhũng cho thấy, vì chưa có người kế nhiệm, nên ông Nguyễn Phú Trọng cần khẩn trương tìm ra một lãnh đạo tương lai. Nói một cách khác, những gì diễn ra trong năm 2024, là điều lẽ ra đến năm 2025 mới diễn ra.

Ông Benoît de Tréglodé đánh giá, ở Việt Nam là “phải tham nhũng”. Để làm chính trị ở Việt Nam thì phải có tiền, phải có sự hậu thuẫn của một doanh nhân, phải có ngân sách lớn để có thể thăng tiến.

Ngược lại, để làm ăn, để kinh doanh ở Việt Nam, thì cũng cần sự ủng hộ của một chính trị gia. Nhìn chung, trong guồng máy chính trị, tồn tại hiện tượng mua quan bán chức và phải có tiền. Hiện tượng này làm lưu thông những khối lượng tiền lớn và gây bức bối bên trong hệ thống chính trị.

Nhưng, tác giả nhận xét, không hẳn những tranh cãi ở thượng tầng thể hiện rằng, hệ thống bị suy yếu. Không phải vì có những chiến dịch chống tham nhũng, mà hệ thống kinh tế bị suy yếu. Ngược lại, ở một khía cạnh nào đó, và đây cũng là nghịch lý, chế độ chính trị lại được củng cố hơn nhờ những vụ tham nhũng này.

Công cuộc “hiện đại hóa đất nước” diễn ra, thông qua việc tham nhũng đại trà ở mọi tầng lớp trong xã hội. Mức lương vẫn còn thấp trong khu vực hành chính và tư nhân, số người giàu trong xã hội đã tăng lên, cho nên, tiền phải đến từ đâu đó.

Ông Benoît de Tréglodé cũng nêu quan sát đời sống chính trị Việt Nam, và nhận thấy, các cuộc khủng hoảng được coi là có lợi cho chính quyền, để có thể tiếp tục tồn tại, vững mạnh hơn và trường tồn.

Ông Benoît de Tréglodé lấy dẫn chứng từ những tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một cuộc khủng hoảng có lợi cho chính quyền Việt Nam, bởi vì những vụ tranh chấp đó làm tăng tính chính đáng của Đảng, được coi là người bảo vệ đất nước, bảo vệ người dân khỏi những vụ tấn công của nước ngoài.

Trong nước, các chiến dịch chống tham nhũng thực sự là cuộc khủng hoảng có lợi cho Đảng, để thể hiện với người dân rằng, Đảng đang bảo vệ họ, Đảng thường xuyên tóm những con cá lớn, bảo vệ lợi ích của những người thấp cổ bé họng, dù đều là ảo tưởng. Rất ít người Việt Nam tin hoàn toàn vào thực tế của những chiến dịch chống tham nhũng trong giới chính trị.

Ông Benoît de Tréglodé nhận định, gần như chắc chắn, ông Trọng sẽ tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến hơi thở cuối cùng. Khi đứng đầu Tiểu ban Nhân sự Đại hội, vào tháng 10/2023, ông đã cho thấy rằng, kế nhiệm ông là một vấn đề nhạy cảm và nhân vật đó chưa được chọn. Ông còn cho thấy, chính ông là người sẽ quyết định tương lai của Việt Nam.

Điểm tương đối mới hiện nay, theo ông Benoît de Tréglodé, đó là chưa thấy những gương mặt nổi trội có tiềm năng. Thứ nhất, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn có trọng lượng và ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị Việt Nam. Tiếp theo, ngày càng có ít thông tin rò rỉ ở Việt Nam, kể từ khi luật an ninh mạng được áp dụng năm 2019. Luật này rất linh hoạt và quản lý rất nghiêm ngặt mọi rò rỉ chính trị về vấn đề nhân sự này.

 

Xuân Hưng – thoibao.de