Đã quá trễ để bảo hộ thương mại trong nước trước doanh nghiệp Trung Quốc

Trung Quốc phát triển mạng lưới tổng kho dọc biên giới Việt Trung: công nghiệp nhẹ Việt Nam sẽ ra sao?

Ngày 2/3, RFA Tiếng Việt có bài phân tích “Trung Quốc phát triển mạng lưới tổng kho dọc theo biên giới Việt Trung: công nghiệp nhẹ Việt Nam sẽ ra sao?”

RFA dẫn thông tin từ trang “Bạn đường”, một tạp chí của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ngày 22/2, cho biết, Trung Quốc đã và còn tiếp tục xây dựng một loạt các tổng kho khổng lồ chứa hàng hóa, dọc theo biên giới Việt Nam.

RFA dẫn quan điểm của Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy, chỉ ra rằng:

“Họ có một chiến lược rất dài hạn. Đầu tiên là họ đầu tư vào các sàn thương mại điện tử. Bước thứ hai là họ xây dựng các tổng kho chứa hàng hóa dọc theo biên giới. Mục đích của các tổng kho này là làm cho việc vận chuyển rẻ hơn, để thúc đẩy thương mại điện tử.” 

“Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng cường số hóa… cho nên hoạt động thương mại điện tử cũng sẽ càng phát triển trong thời gian tới.”
“Vì vậy, việc Trung Quốc phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh đó.”

Không chỉ thúc đẩy thương mại điện tử vào Việt Nam, Trung Quốc còn muốn sử dụng Việt Nam để thúc đẩy hàng hoá vào Đông Nam Á. Tiến sĩ Vũ cho rằng:

“Việt Nam và Trung Quốc có sự hợp tác rất lớn trong chiến lược thúc đẩy hoạt động thương mại của Trung Quốc đi Đông Nam Á. Bằng chứng là Việt Nam đã xây dựng một mạng lưới đường cao tốc kết nối Hải Phòng tới biên giới Trung Quốc. Việt Nam cũng có kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt kết nối Trung Quốc với cảng Hải Phòng.”

“Như vậy, Việt Nam trở thành một chặng trung chuyển cho Trung Quốc để phát triển xuống thị trường Đông Nam Á.”

Hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc tràn vào, thì người tiêu dùng Việt Nam có lợi, nhưng doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó, Tiến sĩ Vũ nhận định:

“Hiện nay đã quá trễ để bảo hộ thương mại cho doanh nghiệp trong nước… Các doanh nghiệp trong nước phải chấp nhận cạnh tranh với Trung Quốc, hoặc phải đóng cửa. Đó là một mặt trái của chính sách kinh tế mở, gia nhập toàn cầu hóa của Việt Nam.”

Mặt khác, Trung Quốc muốn mở rộng sản xuất ở Việt Nam, xuất hàng hóa từ Việt Nam vào các thị trường Âu Mỹ. Bằng cách đó, họ né tránh các đòn trừng phạt kinh tế của phía Mỹ. TS. Vũ giải đáp:

“Thực tế là điều đó đã diễn ra rồi… Khi giá nhân công Trung Quốc tăng lên, thì doanh nghiệp Trung Quốc đã sang Việt Nam lắp ráp ở khâu cuối, để tận dụng giá nhân công rẻ hơn. Điều đó đã diễn ra lâu rồi chứ không phải gần đây. Họ lắp ráp ở Việt Nam để chuyển hàng hóa về Trung Quốc một phần, và một phần xuất khẩu tiếp đi các nước khác.”

“Gần đây khi căng thẳng thương mại Mỹ Trung lên cao, thì Trung Quốc càng tăng cường chiến lược nói trên hơn nữa, tức chuyển sản xuất sang Việt Nam để xuất đi nơi khác.”

“Việt Nam đã chấp nhận cuộc chơi rồi. Bây giờ hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn sang. Các mặt hàng công nghiệp, chế biến, máy móc đều rất rẻ.”

“Việt Nam muốn cạnh tranh thì phải thay đổi. Nếu không có gì thay đổi thì các ngành công nghiệp nhẹ của Việt Nam sẽ dần dần biến mất.” 

RFA cũng dẫn lời Kỹ sư Khiêm Nguyễn, một chuyên gia cấp cao về công nghệ và kinh doanh của Công ty Voyager Space, một công ty đa quốc gia ở California, Hoa Kỳ, cho rằng, Việt Nam có rất nhiều điểm “thắt cổ chai” khiến doanh nghiệp trong nước không thể phát triển được. Theo đó, 2 điểm nghẽn cản trở doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với Trung Quốc, là chi phí vận tải và chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất. Ông cho biết, chi phí vận tải ở Việt Nam cao hơn Trung Quốc 30%, đồng thời, nền sản xuất công nghiệp nhẹ của Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Kỹ sư Khiêm Nguyễn, nhà nước Trung Quốc lại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân rất mạnh mẽ, để họ phát triển và cạnh tranh với nước ngoài.

“Nói một câu dân giã, thì con bò bên Trung Quốc vẫn bị nhốt trong chuồng, nhưng người ta cho ăn. Khi vắt sữa thì vắt sữa có chừng mực để con bò tiếp tục được vỗ béo. Còn con bò ở Việt Nam bị nhốt trong chuồng, không ai quan tâm cho nó ăn còn vắt sữa thì vắt đến kiệt sức.”

 

Xuân Hưng – thoibao.de