Gộp tiền điện 2 tháng, thủ đoạn móc túi trơ trẽn của Điện lực Hà nội

Gộp tiền điện 2 tháng thủ đoạn móc túi trơ trẽn của Điện lực Hà nội

Tiền điện của nhiều hộ gia đình ở Hà Nội đã tăng lên đáng kể, sau khi Tổng Công ty Điện lực Hà Nội thay đổi lịch chốt số công tơ điện, từ đầu tháng sang cuối tháng, và chính thức thực hiện từ ngày 29/2.

Tuy nhiên, thời điểm thực hiện việc thay đổi lịch chốt số công tơ điện, có nhiều khuất tất, khiến nhiều người dân không đồng tình.

Báo Tuổi Trẻ ngày 4/3 đưa tin, “Người Hà Nội choáng với hóa đơn tiền điện tăng mạnh sau Tết”. Bản tin cho biết, kỳ hóa đơn tiền điện tháng 2/2024 của nhiều khách hàng trên địa bàn Hà Nội, được ghi nhận tăng mạnh so với tháng trước, khiến nhiều người dân Hà Nội bất ngờ.

Theo đó, nhiều người dân Hà Nội chia sẻ trên mạng xã hội hoá đơn tiền điện của gia đình họ, đã tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, có nhiều hóa đơn tiền điện tăng từ 2 đến 3 lần so, với tháng trước đó.

Giải thích nguyên nhân tiền điện tăng, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, thay vì ghi chỉ số công tơ với khách hàng sinh hoạt, trải dài từ ngày 3 đến 20 hàng tháng, thì kể từ tháng 2/2024, việc này được thực hiện vào cuối tháng.

Theo đó, số ngày sử dụng điện của khách hàng trong tháng 2/2024, thay vì là 31 ngày như trước đây, đã trở thành tối thiểu là 48 ngày, và tối đa là 56 ngày sử dụng. Do đó, hóa đơn tiền điện lần này, thể hiện số tiền điện khách hàng phải trả cho cả tháng 1 và tháng 2. Đây cũng là lý do vì sao tiền điện lại tăng cao hơn.

Bà Tô Lan Phương, Trưởng ban kinh doanh của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội khẳng định, việc đổi ngày ghi công tơ vẫn đảm bảo quyền lợi cho khách hàng sử dụng điện. Đồng thời mang lại sự tiện lợi cho các khách hàng sử dụng điện, cũng như đảm bảo công bằng và tăng tính giám sát.

Trên mạng xã hội và các diễn đàn, đa số người dân và dư luận không đồng tình, khi cho rằng, lý giải của ngành điện lực không thuyết phục. Đồng thời coi đây là một chiêu trò của ngành điện lực, nhằm móc túi người tiêu dùng, để thu tiền điện với mức phí cao hơn.

Lý do, biểu giá tiền điện được xây dựng theo hình thức luỹ tiến, nghĩa là sử dụng càng nhiều điện thì sẽ phải chịu mức giá càng cao. Sau 30 ngày của tháng 1/2024, đa số các hộ gia đình đều đã sử dụng điện ở ngưỡng cao nhất của gia đình họ. Giờ đây, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội lại cộng thêm số tiêu thụ điện của tháng 2 vào với tháng 1, như vậy, số lượng điện tiêu thụ chắc chắn bị đẩy lên, để phải chịu giá điện ở mức cao, dẫn đến hóa đơn thu tiền điện tăng vọt.

Facebooker Hoàng Đắc Thọ ngạc nhiên, thắc mắc rằng:

“Tại sao hóa đơn điện nhà em đợt này 46 ngày, trong đó có 6 ngày không ở Hà Nội, tức là, tổng số chỉ có 40 ngày dùng điện, nhưng số [tiền] điện lại gấp đôi.”

Một comment khác lại giễu cợt rằng:

“Combo tiền điện, tiền nước, tăng méo mặt người dân. Sao phải gửi thông báo tiền điện lúc 2 – 3h sáng nhỉ? Vị nào tư vấn kiểu gửi hóa đơn này là phản tác dụng. Kéo dài thời gian chốt chỉ số công tơ, rồi tính lũy kế bậc thang là… trên lưng người tiêu dùng”.

Đài Tiếng nói Việt Nam VOV cho biết, có khách hàng kêu rằng:

“Mặc dù ngành điện “lén lút” gửi thông báo tiền điện lúc 2 – 3 giờ sáng để “giảm sốc” tâm lý người dân, nhưng không làm giảm bớt “rung chấn” của tôi, khi nhìn 2 cái bill thanh toán. Cả gia đình chỉ 3 mống mà phải trả trên 2,7 triệu tiền điện cho lần này. Tháng này, đóng tiền điện xong cạp đất, uống nước hồ sống nhé!”

Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến khác bất bình, khi đặt câu hỏi: “Tại sao không chốt số vào ngày cuối tháng tháng 1, hay từ cuối tháng 12/2023? Hay muộn hơn là vào tháng 3/2024?”

Công luận cho rằng, tăng thêm vài chục nghìn với 1 hộ dân là rất nhỏ. Nhưng nếu nhân với 2,8 triệu hộ dân ở Hà Nội đang sử dụng điện, thì sẽ là một con số rất lớn. Con số đó, trong lần gộp hóa đơn này, có thể lên đến 5.000 tỷ đồng.

Đồng thời, công luận cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm bảo vệ người dân. Không được để doanh nghiệp kinh doanh theo lối độc quyền, tự ý, tùy tiện làm bậy, để bù lỗ cho việc kinh doanh kém của ngành điện.

Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, đáng lẽ, nhà nước phải giảm thuế, giảm giá dịch vụ công, trợ giá cho những ngành năng lượng chủ lực, như điện, xăng dầu… để hỗ trợ người dân. Nhưng ngược lại, nhà nước lại liên tiếp tăng giá điện, nay còn dùng tiểu xảo để tăng thu tiền điện, khiến đời sống của người dân đã khó khăn lại càng chật vật hơn.

Phải chăng, nhà nước Việt Nam lâu nay vẫn duy trì EVN làm một “con ngáo ộp”, và sử dụng nó như một thứ lá chắn, để trút hết tội vạ, kể cả việc tăng giá điện móc túi dân một cách vô tội vạ hay không?

 

Trà My – Thoibao.de