Kinh tế suy thoái, mức tiêu thụ xe hơi ở Việt Nam xuống thấp kỷ lục

Kinh tế suy thoái, mức tiêu thụ xe hơi ở Việt Nam xuống thấp kỷ lục

Ngày 15/3, RFA loan tin “Mức tiêu thị xe hơi thấp kỷ lục tại Việt Nam trong 4 năm”.

Theo đó, lượng xe hơi tiêu thụ tại Việt Nam suy giảm xuống mức kỷ lục, thậm chí, còn thấp hơn cả thời điểm dịch COVID-19.

Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam báo cáo như vừa nêu và truyền thông Nhà nước loan tin ngày 13/3.

Cụ thể, RFA cho biết, các thành viên của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam, trong tháng 2/2024, chỉ bán ra được hơn 11.600 xe, giảm 40% so với tháng trước, và giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này có hơn 6.660 xe lắp ráp trong nước, giao cho người tiêu dùng trong tháng 2/2024; và số nhập khẩu nguyên chiếc là gần 5.000 chiếc. Đây là mức thấp kỷ lục trong 4 năm qua kể từ tháng 3/2020.

Theo RFA, những nhà sản xuất ngoài Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam cũng thông báo doanh số sụt giảm. TC Motors – đơn vị phụ trách hoạt động phân phối ô tô thương hiệu Skoda tại Việt Nam – cho biết, lượng xe Hyundai bán ra thị trường Việt Nam trong tháng 2 chỉ hơn 2.000 chiếc, thấp hơn mức gần 3.600 xe trong tháng 1/2024, và gần 5.500 xe trong tháng 2/2023.

Vẫn theo RFA, nguyên nhân doanh số bán xe giảm, được các nhà sản xuất nhận định, do những bất ổn kinh tế vĩ mô; một số “ông lớn” trong ngành xe hơi đang trong giai đoạn tái cơ cấu nguồn cung dịp đầu năm…

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu suy giảm từ đầu năm 2022, khi xã hội mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.

Năm 2022, Chính phủ đã đưa ra số liệu về tăng trưởng kinh tế là 8.02%, và đã nhận nhiều chỉ trích, từ cả người dân và người nghiên cứu kinh tế – chính trị. Bởi thực tế, công nhân bị sa thải; hàng loạt cửa hàng mặt tiền trả mặt bằng vì kinh doanh thua lỗ; người dân thắt chặt chi tiêu, cả chợ truyền thống và siêu thị đều ế ẩm. Cho nên, không ai tin vào số liệu thống kê của Chính phủ.

 

Trong năm 2023, tăng trưởng GDP tăng 5,05%, nhà nước Cộng sản tự hào cho là cao hơn so với các nước trên thế giới và khu vực. Tuy nhiên, người dân lại còn bi quan hơn trước, mọi thành phần trong xã hội đều cảm nhận được áp lực suy thoái kinh tế, và sự bế tắc hoàn toàn.

Các công ty, xí nghiệp sản xuất hoặc gia công tiếp tục đóng cửa hàng loạt khiến lực lượng công nhân thất nghiệp càng nhiều hơn. Những người này hoàn toàn không biết phải làm gì khác để kiếm sống, bởi đất đai nông nghiệp ở quê nhà, hoặc đã bán, hoặc hoang hoá lâu năm không trồng trọt được trong ngắn hạn, nhưng họ lại không có tiền để cải tạo đất, để quay về với nông nghiệp.

Thay vì số doanh nghiệp FDI tăng lên như kỳ vọng, khi các doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Trung Quốc, thì năm 2023 chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài đã rời đi, hoặc đang có ý định rời khỏi thị trường Việt Nam. Những lý do được đưa ra như: Nguồn điện không ổn định, có nguy cơ thiếu điện trên diện rộng; chính sách vĩ mô, luật pháp thường xuyên thay đổi, gây mất lòng tin; nguồn nhân lực không đạt yêu cầu…

Ngoài ra, xăng dầu, điện nước, thực phẩm… đều tăng giá, trong khi, nhà nước không những không giảm thuế cho dân, mà còn tìm đủ mọi cách để tận thu.

Tất cả những bế tắc này khiến người Việt đang chứng kiến một đợt di cư, tuy âm thầm, nhưng với số lượng rất lớn, không kém thời gì “thuyền nhân” thập niên 1980. Khác chăng, đợt di cư này không có những con thuyền vượt biển, không có hải tặc và ít lén lút hơn. Đa số những người di cư lần này rời Việt Nam bằng máy bay, người nghèo thì đi xuất khẩu lao động, người giàu thì di cư đầu tư sang các nước phát triển…

Tương lai, người Việt còn lại trong nước sẽ chỉ sống dựa vào kiều hối người thân gửi về, bởi vì, dù có siêng năng thì cũng không còn việc gì để làm trên đất nước này.

Khi cơm ăn, áo mặc một lần nữa trở thành vấn đề chi phối cuộc sống, thì ai còn khả năng để mua xe hơi?

 

Ý Nhi – thoibao.de