Ngày 19/3, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoàn tất phần luận tội đối với bị cáoTrương Mỹ Lan và 85 đồng phạm, liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).
Cơ quan công tố thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội nhiều lần, trong thời gian kéo dài, với những thủ đoạn tinh vi, với tội danh truy tố đặc biệt nghiêm trọng. Quá trình điều tra xét xử, trong khi các bị cáo khác đều thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan không thành khẩn, khai báo quanh co, luôn đổ lỗi cho cấp dưới.
Báo Thanh Niên ngày 20/3 đưa tin, “Bị cáo Trương Mỹ Lan sốc khi nghe đề nghị mức án tử hình”. Bản tin cho biết, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị, buộc bị cáo Trương Mỹ Lan chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, là 677.286 tỉ đồng và toàn bộ số tiền lãi phát sinh theo quy định pháp luật.
Đánh giá hành vi phạm tội của bà Lan gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, và không có khả năng thu hồi tài sản cũng như tiền bạc. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng Xét xử, tuyên án tử hình tội tham ô tài sản, 20 năm tù tội đưa hối lộ, 19 đến 20 năm tù tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đối với bà Lan. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Trương Mỹ Lan bị cơ quan công tố đề nghị tử hình.
Vẫn theo báo Thanh Niên, luật sư bào chữa cho bà Lan cho hay, khi bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình, bà Lan đã ngã quỵ và được công an dìu cho ngồi xuống.
Trên mạng xã hội và các Diễn đàn Chính trị của người Việt, đa số các ý kiến đều đồng tình, cần phải có những bản án triệt để, nghiêm khắc, mới đủ tính răn đe.
Theo Luật sư Hai Nguyen nhận xét, “không ai có thể tin, từ nữ thương nhân bán vải bình thường, để bà Trương Mỹ Lan trở thành người sở hữu một khối tài sản trị giá hàng tỉ USD. Thông qua việc lũng đoạn toàn bộ hệ thống Ngân hàng Nhà nước trong hàng chục năm, đã gây ra thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ”.
Facebooker Trần Đức Điền cho rằng, “nếu không có sự giúp đỡ, ăn chia từ quan chức nhà nước các cấp, thì không doanh nghiệp nào có thể lũng đoạn, lừa đảo được… Cái sai đầu tiên là từ những quan chức lãnh đạo các cấp trong bộ máy nhà nước, đã tiếp tay và dung túng cho bà Trương Mỹ Lan phạm tội để hưởng lợi”.
Một nguồn tin của thoibao.de từ Hà Nội, người có mối liên hệ với nhiều quan chức cấp cao trong bộ máy nhà nước, tiết lộ “trước khi xử vụ Vạn Thịnh Phát, có lãnh đạo trong nội bộ đã khẳng định, theo nghị quyết của Bộ Chính trị, chắc chắn sẽ không có án tử hình”.
Theo đó, mức án được đưa ra là để tạo áp lực, buộc các bị cáo phải nộp tiền khắc phục hậu quả, cũng như tích cực chạy án. Nguồn tin còn khẳng định chắc chắn 100% là, sẽ chẳng có án tử hình nào cả.
Trước khi nghị án, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, “cần loại khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn” đối với các bị cáo: Đỗ Thị Nhàn – Trưởng đoàn Thanh tra); Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng – nguyên Chủ tịch SCB; Võ Tấn Hoàng Văn – nguyên Tổng Giám đốc SCB; Tạ Chiêu Trung – nguyên thành viên Hội đồng Quản trị SCB. Nhưng, chỉ sau đó ít giờ, trong phần nghị án của đại diện Viện Kiểm sát, lại hoàn toàn không phải như lời đe dọa trước đó.
Công luận thấy rằng, phải chăng, đó là những dấu hiệu cho thấy, những nỗ lực tìm cách giải cứu cho bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm, của thế lực chính trị cấp cao, có khả năng sẽ bị chặn đứng?
Việc các cơ quan tư pháp đe dọa tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, rõ ràng, đã tạo ra một sự chấn động về mặt tâm lý, đến mức bị cáo Lan suýt ngất tại tòa. Đây cũng là những cảnh báo để thấy, thế lực chính trị cao cấp chống lưng và đang chạy tội, cũng như giải cứu cho bà Lan, đã mất thế thượng phong.
Điều đó có tác dụng thúc đẩy bà Trương Mỹ Lan, để cứu tính mạng của mình, sẽ khai hết trước tòa về tất cả các chứng cứ liên quan những nhân vật cấp cao. Ví dụ như, bà đã từng đưa “quà biếu” cho những ai, đứng tên cổ phần SCB giúp ai… để được hưởng lượng khoan hồng.
Theo giới phân tích, có thể, trong những ngày tới đây, danh sách những lãnh đạo cấp cao có liên quan Vạn Thịnh Phát, không chỉ trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, mà cả các bộ, ngành, cũng như các cơ quan của Đảng, sẽ được bạch hóa.
Đây là cú tấn công quyết định của các cơ quan trong hệ thống tư pháp, đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bởi ông Trọng đang ra sức che chắn cho các lãnh đạo, cựu lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt là che chắn cho Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, một người được cho là “tay hòm chìa khóa” của Tổng Bí thư./.
Dọa “đăng xuất” Trương Mỹ Lan: Tô Đại và Bình Tòa tính gì với Tổng Trọng?
Trà My – Thoibao.de