Tình trạng buôn bán, sử dụng chất cấm trong ngành công an: Ai phải chịu trách nhiệm?

Lâu nay, công luận hết sức bức xúc trước tình trạng tha hóa, xuống cấp đạo đức của lực lượng công an Việt Nam. Thậm chí một số không nhỏ người dân đã khẳng định, ngành công an là một tổ chức tội phạm có “giấy phép”.

Tình trạng các cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an vi phạm pháp luật, với mục đích kiếm tiền bằng mọi giá, kể cả việc sử dụng, buôn bán chất cấm đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

Cụ thể, tháng 4/2024, Công an Hải Phòng đã tước danh hiệu Công an Nhân dân, đối với 2 nữ cán bộ công an về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, trong đó có một nữ cán bộ Đội Hình sự chống ma túy, Công an Hải Phòng, với tang vật tại hiện trường là 0,13g ketamin và một số tang vật khác.

Mới nhất, ngày 25/10, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin, “Cán bộ công an ở Hà Nội dùng ô tô công an phường để chở ma túy”. Bản tin cho biết, Viện Kiểm sát Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 12 bị can, về tội mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam.

Trong đó có các bị can Nguyễn Văn Hưng, và Hà Minh Đức, cựu cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Văn Hưng đã trực tiếp sử dụng ô tô đảm bảo trật tự của cơ quan công an để vận chuyển ma túy đi cất giấu.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến đặt câu hỏi, tại sao lực lượng nhân danh “thanh kiếm lá chắn” của chế độ, với trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, lại xảy ra các bê bối nghiêm trọng như vậy? Phải chăng, ngôi nhà của lực lượng Công an Nhân dân đã “dột từ nóc dột xuống”, và đó là hệ quả của tình trạng “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Ngành công an dưới thời ông Tô Lâm làm Bộ trưởng, đã có nhiều bằng chứng cho thấy sự khuất tất, trong các vấn đề liên quan đến việc buôn bán chất cấm. Điển hình như vụ việc Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện 4 tiếp viên của Vietnam Airlines mang theo 11,4kg ma túy trong hành lý.

Vụ việc này được truyền thông nhà nước đưa tin rộng rãi, nhưng sau khi phía Hải quan bàn giao 4 tiếp viên này cho cơ quan công an, thì công luận bất ngờ, khi Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã trả tự do cho 4 nghi phạm này.

Theo giới phân tích, Tổng Bí thư, cựu Bộ trưởng Tô Lâm lâu nay đang nỗ lực để duy trì một nhà nước cảnh sát và chế độ công an trị, nhằm giữ vững an ninh chính trị, để duy vị trí độc tôn lãnh đạo, quản lý nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhưng với chất lượng đạo đức, tác phong của các cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an đông về số lượng nhưng không đảm bảo chất lượng. Đó là lý do, lực lượng Công an vi phạm pháp luật tràn lan, mang tính hệ thống như đã thấy.

Thường trực Ban Bí thư Trung ương Khóa 12 Trần Quốc Vượng từng cảnh báo về sự tha hóa, biến chất của lực lượng bảo vệ chế độ. Theo ông Trần Quốc Vượng: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay, sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”.

Dư luận xã hội thấy rằng, ý kiến vừa kể của ông Trần Quốc Vượng rất xác đáng, đã đánh giá đúng thực chất của vấn đề. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, và Tổng Bí thư Tô Lâm cần nghiêm túc suy nghĩ và giải quyết.

Đồng thời, công luận yêu cầu ông Tô Lâm cần phải trả lời cho người dân được rõ: Ai và vì đâu, lại để cho lực lượng “còn Đảng còn mình” tha hóa nghiêm trọng và kéo dài đến như vậy?

 

Trà My – Thoibao.de