Bộ trưởng Lương Tam Quang sẽ dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Bộ Công an Việt Nam, đi thăm và làm việc ở Cộng hòa Liên bang Đức, kể từ ngày 28/10.
Một nguồn tin nội bộ của thoibao.de cho biết, mục đích chính của chuyến đi Đức này của ông Quang, là để dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về Việt Nam.
Theo kế hoạch, ngày 28/10, Bộ trưởng Quang sẽ có 2 cuộc gặp và hội đàm, với Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức, và với Thứ trưởng phụ trách về an ninh và cảnh sát liên bang, thuộc Bộ Nội vụ Đức.
Khi gặp bà Nancy Faeser – Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức, ông Quang sẽ đề nghị phía Đức hỗ trợ bắt giữ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), để dẫn độ về Việt Nam. Đổi lại, Bộ trưởng Công an Việt Nam cam kết, sẽ trao trả ông Trịnh Xuân Thanh về Đức, theo yêu cầu của Chính phủ Đức trong những năm trước đây.
Được biết, việc đề nghị chính quyền Đức hỗ trợ bắt giữ, và dẫn độ bà Nhàn AIC, nằm trong chương trình tối mật của Bộ Công an. Điều này nhằm phục vụ việc thanh trừng trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, liên quan đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Cả 2 nhân vật này vẫn bị cáo buộc có những mối quan hệ mờ ám, cả về tình cảm cũng như tiền bạc, đối với bà Nhàn.
Những thông tin kể trên, có nhiều điểm trùng khớp với bản tin của nhật báo TAZ mới đây, khi nữ nhà báo Đức Marina Mai đề cập đến bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Theo đó, phía Việt Nam sẽ cho phép ông Trịnh Xuân Thanh quay lại Đức, nơi vợ và 3 trong số 5 người con ông đang sinh sống, nếu phía Đức chấp nhận trao trả bà Nhàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đã bị Tòa án Việt Nam kết án vắng mặt, với mức án 30 năm, vì cáo buộc tham nhũng và gian lận đấu thầu. Sau khi rời Việt Nam vào năm 2022, bà đã đến sống tại Đức và đang được các lực lượng an ninh Đức bảo vệ chặt chẽ, để tránh nguy cơ bị bắt cóc.
Yêu cầu dẫn độ từ phía Việt Nam đã bị cơ quan tư pháp Đức từ chối, một phần do hậu quả từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, năm 2017. Ông Trịnh Xuân Thanh sau khi về Việt Nam, đã bị tòa án tuyên 2 bản án tù chung thân, vì tội danh tham nhũng. Bất kể ông Thanh kiên quyết phủ nhận các cáo buộc này, và cho rằng, các bản án mang động cơ chính trị.
Nhật báo TAZ cho biết, vụ án của bà Nhàn cũng có động cơ chính trị, vì có liên quan đến Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chính quyền Đức vẫn tỏ ra thận trọng, đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị Việt Nam phức tạp, liên quan đến các đối thủ chính trị của Thủ tướng.
Theo tác giả Maria Mai, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức xác nhận với nhật báo TAZ rằng, cuộc gặp sẽ diễn ra vào thứ hai tới (28/10), và sẽ kéo dài khoảng một giờ, giữa các đại diện của Việt Nam và Quốc vụ khanh Nội vụ Đức, Hans – Georg Engelke. Bộ nội vụ Đức không cung cấp thông tin về nội dung cuộc gặp, mà phía Việt Nam đề nghị.
Tin giờ chót, phía Việt nam đã đưa ra thêm một đề nghị khá hấp dẫn với phía Đức. Đó là, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam sẽ ưu tiên dành cho Siemens – một Công ty nổi tiếng của Cộng hòa Liên bang Đức, nếu đáp ứng điều kiện trao đổi nói trên.
Liệu phía Đức có đồng ý với thỏa thuận này hay không, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Thứ nhất, không phải Bộ Nội vụ Liên bang Đức có thể quyết định, liệu một người có bị dẫn độ sang quốc gia khác hay không, mà việc này thuộc thẩm quyền của Tòa án, và Bộ Tư pháp Liên bang Đức.
Thứ hai, Việt Nam không có một hệ thống tư pháp độc lập – điều mà phía Đức khó có thể chấp nhận.
Trà My – Thoibao.de