Không ngoài dự kiến, sau khi lãnh án tử hình trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, hồi tháng 4/2024, bà “trùm” Trương Mỹ Lan tiếp tục nhận thêm án chung thân trong vụ án giai đoạn 2.
Theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan và các tay chân tại Ngân hàng SCB đã có hàng loạt hành vi vi phạm, trong việc phát hành trái phiếu, để chiếm đoạt số tiền 30.081 tỷ đồng, của các cá nhân cũng như tổ chức gửi tại Ngân hàng này.
Hội đồng Xét xử của phiên tòa giai đoạn 2 đã khẳng định:
“Cần phải nghiêm trị những người cầm đầu. Bị cáo Lan là người cầm đầu có vai trò chính, nên phải áp dụng mức án nghiêm khắc nhất của điều luật.”
Đáng chú ý, sau phán quyết của Hội đồng Xét xử, theo truyền thông nhà nước, bà Trương Mỹ Lan đã nói lời sau cùng:
“Bị cáo đứng đây, đầu đội trời, chân đạp đất, đối diện với Hội đồng Xét xử, bị cáo gửi lời trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất đến người đứng đầu đất nước, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), đã vất vả vì cái tên Trương Mỹ Lan, làm chấn động cả Việt Nam cũng như quốc tế.”
Theo giới quan sát, những phát biểu rất “khẳng khái” của bà Lan, không chỉ cho thấy sự dũng cảm của một bị cáo, với 2 bản án kịch khung, mà còn cho thấy, bà vững tin rằng, bản thân bà chỉ nhận mức án cao nhất là chung thân, chắc chắn không bị tử hình.
Ngân hàng SCB dưới sự thao túng của bà Lan, đã phát hành trái phiếu với lãi suất cao, cộng với tội danh “rửa tiền”, cũng như “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, gây thiệt hại lên đến 415.000 tỷ đồng.
Theo giới thạo tin, bà Trương Mỹ Lan là một nhân vật có “yếu tố” Trung Quốc. Chồng bà – ông Chu Lập Cơ, quốc tịch Hong Kong, có mối quan hệ “gần gũi” với cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. Thậm chí, tiền vốn kinh doanh chuyển qua lại giữa Vạn Thịnh Phát với Hoa lục, được cho là do Cơ quan tình báo Hoa Nam trực tiếp điều hành.
Việc quyết định cho điều tra vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà “trùm” Trương Mỹ Lan, được đánh giá là một điểm sáng của cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Tuy nhiên, thời điểm hiện nay rất “nhạy cảm”, khi mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, sau một giai đoạn bị cho là “rất xấu”, đang dần dần hồi phục, trước sự xuống thang của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ban lãnh đạo Hà Nội. Do vậy, việc cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đề nghị mức án tử hình và chung thân, trở nên hết sức nhạy cảm. Điều mà ông Tô Lâm muốn tránh trong lúc này.
Hơn nữa, đã từ lâu, cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam không dám cho mở tung cái “hũ mắm” có tên Vạn Thịnh Phát của bà trùm Trương Mỹ Lan. Cũng như việc nhà nước Việt Nam quyết định bỏ ra tới 24 tỷ USD, để cứu Ngân hàng SCB, nhưng không thể cứu vãn nổi. Các chi nhánh của Ngân hàng SCB đã và đang lần lượt phải đóng cửa, không thể tiếp tục hoạt động.
Xin nhắc lại, trong các phiên tòa, bà Lan đều thừa nhận một số tội trạng, đồng thời cam kết dùng toàn bộ tài sản của mình để bồi thường cho các bên bị hại. Ban lãnh đạo Việt Nam nói chung và ông Tô Lâm nói riêng, đã thấy rõ sự nguy hiểm của vấn đề này.
Bất kể các phiên phúc thẩm vẫn chưa diễn ra, nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan bắt buộc “phải sống”, để tiếp tục trả món nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng. Bởi nếu không thể giải cứu Ngân hàng SCB, sẽ kéo theo dàn lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước lũ lượt vào tù. Trong đó có Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng – một tay chân thân tín của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trà My – Thoibao.de