Ngày 25/3, đài RFI của Pháp có bài “Việt Nam: Chủ tịch nước bị cách chức, Tổng Bí thư bị tiếm quyền ?”.
Đây là bài phỏng vấn Giám đốc Nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp, trả lời đài RFI Tiếng Việt vào ngày 21/3. Theo đó, ông Benoît de Tréglodé tiết lộ: “Cách đây ít lâu, đích thân ông Trọng đã can thiệp vào bộ máy nhà nước để bảo vệ ông Võ Văn Thưởng, vì một vài rắc rối liên quan đến gia đình.”
Vậy, câu hỏi đặt ra là, “rắc rối liên quan đến gia đình” của ông Thưởng là rắc rối gì? Ông Thưởng được cho là “khá trong sạch” so với các qua chức khác. Vụ nhận tiền của Hậu “Pháo” để xây nhà thờ tổ, đã xảy ra cách đây 12 năm, thì không thể là “các đây ít lâu”, mà là đã quá lâu.
Vậy, ông Trọng bảo vệ ông Thưởng trong vụ nào, đây là việc dư luận rất quan tâm.
Còn nhớ, ngày 16/3/2023, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện 4 tiếp viên của Vietnam Airlines mang theo 11,4kg ma túy trong hành lý. Vụ việc được Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh làm lớn chuyện, bằng cách mời báo chí đến chứng kiến và đưa tin rộng rãi. Lúc đó, tất cả các tờ báo đều đăng tin. Nhưng sau khi phía Hải quan bàn giao 4 tiếp viên này cho Công an Thành Hồ, thì chỉ ít ngày sau, Công an Thành Hồ đã thả 4 cô này, trong sự ngỡ ngàng của xã hội.
Bốn nữ tiếp viên gồm: Võ Tú Quỳnh, Trần Thị Thu Ngân, Nguyễn Thanh Thủy và Đặng Phương Vân. Trong đó, Võ Tú Quỳnh được cho là cháu của ông Võ Văn Thưởng. Tuy nhiên, thông tin cô Quỳnh là cháu ông Thưởng chỉ là “tin đồn”, còn phía chính quyền thì hoàn toàn im lặng.
Ở Việt Nam, những tin tức như thế này thì chỉ tồn tại dưới dạng “tin đồn”, tuy nhiên, rất nhiều tin đồn lại là sự thật. Trên thực tế, những thông tin này phải chịu thân phận “tin đồn”, vì báo chí chính thống từ chối loan tải. Bởi chế độ này là chế độ bao che cho quan chức. Vì vậy, thông tin cô Võ Tú Quỳnh là cháu của ông Võ Văn Thưởng, cũng chịu chung số phận.
Những cô gái này mang ma túy từ Pháp về Việt Nam, có lẽ vì như vậy mà phía Pháp nắm được thông tin, trong các cô có “người nhà” của ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Qua cách Công an Thành Hồ nhanh chóng thả 4 tiếp viên hàng không xách ma túy, thì người dân đều hiểu, có kẻ có quyền lực can thiệp. Đa số đều suy đoán, kẻ đó chính là ông Võ Văn Thưởng. Tuy nhiên, quyền lực của ông Thưởng không đủ mạnh, để có thể tác động đến Tô Lâm. Đặc biệt, Tô Lâm lúc đó chưa thành công với âm mưu hạ bệ Thưởng, nên cho rằng, Tô Lâm giúp đỡ Thưởng là không hợp lý.
Người tác động đến Tô Lâm, chỉ có thể là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sự thật cũng dần hé lộ, người tự cho mình là “liêm khiết” nhất trong Đảng, là người nhóm “lò” đốt hàng loạt nhân vật “suy thoái đạo đức” trong Đảng, cũng có thể là người làm những điều trái với luật pháp, sau hậu trường chính trị. Vậy, ông có xứng đáng là “người dạy đạo lý” cho toàn Đảng, toàn dân không?
Ông Benoît de Tréglodé chỉ nói “ông Trọng đã can thiệp vào bộ máy nhà nước để bảo vệ ông Võ Văn Thưởng, vì một vài rắc rối liên quan đến gia đình”, ông không nói rõ chuyện rắc rối đó là gì, và người trong gia đình ông Thưởng là ai. Tuy nhiên, có thể dùng phương pháp loại suy thì sẽ rõ.
Vào tháng 5 năm ngoái, Tô Lâm vẫn còn “ngoan ngoãn vâng lệnh” ông Tổng. Nhưng nay, ông đã ra mặt tạo phản, nên không còn cả nể cấp trên nữa. Và đó là lý do, Võ Văn Thưởng phải gục ngã sau đòn đánh chí tử của Tô Lâm, với chứng cứ từ một vụ án xảy ra cách đây đã hơn 10 năm.
Đây là dấu hiệu cho thấy, vai trò “ông trùm” trong Đảng của Nguyễn Phú Trọng, đã đến hồi “cáo chung”.
Về phần ông Trọng, đã lộ rõ, ông không phải là người “liêm khiết” như người ta vẫn tưởng. Ông cũng vì quan hệ, vì mục đích cá nhân mà bao che cho tội phạm. Sự liêm khiết, đạo đức, tử tế… của người Cộng sản chỉ là chiếc mặt nạ. Người “giỏi” và may mắn, thì giữ không để chiếc mặt nạ bị rơi ra; còn kẻ kém cỏi hoặc xui xẻo, thì bị rơi mặt nạ và lộ ra bộ mặt thật cho dân thấy.
Hoàng Phúc – Thoibao.de