Khủng hoảng nhân sự cấp cao đã vượt quyền kiểm soát của ông Trọng

Ngày 25/3, báo Tiếng Dân đăng bài bình luận của tác giả Nông Văn Tiềm, với tựa đề “Khủng hoảng nhân sự ở thượng tầng, nhân vật nào sẽ ngồi ghế Chủ tịch nước?”

Tác giả cho rằng, lịch sử Đảng Cộng sản chưa bao giờ khủng hoảng nhân sự cấp cao như hiện nay, và “lò ông Trọng” đã biến thành nơi thanh trừng, để các phe phái trong Đảng tranh giành quyền lực.

Tác giả bình luận, khủng hoảng nhân sự cấp cao đã làm cho ông Trọng đang rơi vào tình trạng không kiểm soát được tình hình. Nội bộ Đảng đang rối bời và vượt quá giới hạn.

Theo đó, sau khi Nguyễn Thanh Long bị bắt, Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Trung ương không có Trưởng ban.

Sau khi Lê Đức Thọ bị bắt, 3 tháng qua, Bến Tre không có Bí thư Tỉnh uỷ.

Gần 2 tháng kể từ lúc Trần Tuấn Anh bị buộc thôi chức, Ban Kinh tế Trung ương không có Trưởng ban…

Với ghế Chủ tịch nước đang trống, tác giả phân tích các phương án thay thế như sau:

  1. Phương án Tô Lâm

Tô Lâm hiện là ứng viên sáng giá nhất cho ghế Chủ tịch nước. Ông “nắm được thóp” các uỷ viên Bộ Chính trị, điểm danh các uỷ viên Trung ương như “con tin”, nên nếu ngồi vị trí A2, thì xem như ông đã đặt một chân vào “nhân sự đặc biệt” khoá 14, để tranh ghế Tổng Bí thư, trong Đại hội 14.

Hai đệ tử ruột của ông là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc, cùng hàng trăm cấp tướng, tá quê Hưng Yên, đang được Tô Lâm cơ cấu cứng ở các Cục, Vụ của Bộ Công an. Những người này, cùng với số sĩ quan mà Tô Lâm rải đi biệt phái “nằm vùng” trong Chính phủ và các cơ quan đầu não của Đảng, nắm chủ chốt hầu hết các sở công an tỉnh/ thành cả nước, sẽ làm “lá chắn thép” bảo vệ cho họ Tô.

  1. Phương án Phan Văn Giang

Phan Văn Giang – Bộ trưởng Quốc phòng, chưa đủ tiêu chuẩn “trọn một nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị”. Nhưng không sao, vẫn còn “trường hợp đặc biệt, do Bộ Chính trị quyết định”.

Sắp tới, Hội nghị Trung ương 9 phải bầu bổ sung ít nhất 3 uỷ viên Bộ Chính trị. Ba gương mặt có thể bổ sung, là: Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng ban Dân vận Trung ương; Lê Minh Khái – Phó Thủ tướng Chính phủ; và Tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội.

Tác giả cho rằng, kịch bản phù hợp nhất là Tướng Phan Văn Giang ngồi ghế Chủ tịch nước; Nguyễn Tân Cương nắm Bộ trưởng Quốc phòng; Trần Cẩm Tú ngồi ghế bà Mai (nếu bà cáo quan); Bùi Thị Minh Hoài sẽ cầm trịch Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; Lê Minh Khái sẽ nắm Trưởng Ban Kinh tế. Được biết, Khái là nhân vật được quy hoạch ghế Thủ tướng cho nhiệm kỳ 2026 – 2031.

  1. Phương án Vương Đình Huệ

Họ Vương được Nguyễn Phú Trọng ưu ái quy hoạch vị trí A1. Nếu Vương Đình Huệ qua A2 lúc này, tình thế sẽ nguy hiểm. Bởi khi ông Trọng công khai việc Huệ cầm chắc suất “nhân sự đặc biệt” khoá sau, Huệ sẽ trở thành bia ngắm bắn của các phe khác trong Đảng.

Trường hợp ông Huệ ngồi ghế Chủ tịch nước, bà Mai phải sang Quốc hội, Trần Cẩm Tú sẽ điền vào chỗ bà Mai. Bùi Thị Minh Hoài sẽ ngồi ghế Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Tác giả đặt vấn đề: Tô Đại tướng sẽ ra sao nếu trượt ghế A2?

Nếu phương án Phan Văn Giang hoặc Vương Đình Huệ được thực thi, xem như, đây là canh bạc tồi đối với Tô Lâm. Khi ấy, cánh cửa đi tiếp của họ Tô sẽ bị khép lại, Tô Lâm và cả 2 đàn em là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc đều phải về vườn vào cuối khoá. Kết cục, vai trò “Hưng Yên hoá” Bộ Công an của Tô Lâm sẽ chấm hết.

Tác giả kết luận, thời gian không còn nhiều, chỉ còn hơn 2 tuần cho các phe toan tính để chọn nước cờ. Thỏa hiệp để quân bình cán cân quyền lực, hay “đánh nhau” để phân chia ngôi thứ trong Đảng?

Có lẽ lúc này, ngay cả bản thân ông Nguyễn Phú Trọng cũng chưa chắc tìm được câu trả lời!

 

Hoàng Anh – thoibao.de