Ngày 30/3, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt tiếp tục bình luận về “Quy hoạch nhân sự, kế thừa và… “hồng phúc” đính kèm đại họa” – phần 2.
Tác giả lược qua tiểu sử của ông Võ Văn Thưởng, để thấy, “sự nghiệp” của cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch nước là một chuỗi những vị trí, chức vụ được sắp đặt để “tuần tự nhi tiến” đến đỉnh quyền lực.
Bắt đầu từ một cán bộ Đoàn, ông Thưởng lần lượt thăng tiến, và chỉ sau 13 năm, ông đã có mặt ở thượng tầng chính trị.
Tác giả nhận định, những người tham gia vào việc lựa chọn, sắp đặt “con ông, cháu cha” như ông Thưởng làm lãnh đạo, và những cá nhân được ví von là “hồng phúc dân tộc” như ông Thưởng, đã cùng nhau soạn thảo và ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, vào tháng 5/2018.
Theo nghị quyết này, “đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược” phải được xây dựng theo hướng “cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới”. Và Nghị quyết này chính thức khởi động “giai đoạn chuyển giao thế hệ, từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và các nước Xã hội Chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”!
Tác giả cho rằng, sở dĩ Nghị quyết số 26-NQ/TW xuất hiện và song hành với những tuyên bố đề cao “tôn trọng khác biệt”, những chính sách về “chiêu hiền, đãi sĩ”,… vì đó là nền tảng nhằm bảo đảm “con ông, cháu cha” tiếp tục nắm giữ vai trò lãnh đạo cao nhất của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam, và ông Thưởng chính là ví dụ cụ thể, rõ ràng nhất, về tâm địa của giới lãnh đạo thể chế chính trị tại Việt Nam.
Tác giả mỉa mai, hiền tài thuần túy nào “có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, như… ông Thưởng, để cạnh tranh với ông Thưởng, nhằm đảm nhận các trọng trách như ông Thưởng? “Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa” tạo điều kiện cho những thứ như Nghị quyết số 26-NQ/TW ra đời, và tiếp tục chi phối cả hiện tại lẫn tương lai của xứ sở, dân tộc, biến Việt Nam thành nơi của “con ông, cháu cha”, do “con ông, cháu cha” khiển dụng, vì “con ông, cháu cha”, theo hướng “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.
Tuy nhiên, tác giả đánh giá, mọi thứ đều có mặt trái, Nghị quyết số 26-NQ/TW cũng thế…
Không có Nghị quyết số 26-NQ/TW, sẽ không có chuyện chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc chọn, bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang, ái nữ của bà Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc – làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư của tỉnh.
Bởi “công tác cán bộ” được xây dựng dựa trên Nghị quyết số 26-NQ/TW, việc lựa chọn, bổ nhiệm bà Trang được khẳng định là “đúng quy trình”, chuyện “thu hồi quyết định bổ nhiệm” chỉ nhằm “giải độc dư luận”, thân mẫu bà Trang hoàn toàn vô sự!
Tác giả nhận xét, cho dù là tâm một trận bão dư luận, bà Trang chỉ “tạm lui”. Gần đây, thiên hạ mới dám dự đoán “sự nghiệp chính trị” của bà Trang có thể sẽ dang dở vì thân mẫu của bà vừa bị bắt, do “nhận hối lộ”. Tuy nhiên đó chỉ là dự đoán!
Tác giả châm biếm, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, không thể dùng lý để đánh giá, nhận định về “công tác cán bộ”. Nhờ là “con ông, cháu cha”, thân mẫu bà Trang thôi làm giáo viên để tham gia công tác Đoàn, rồi chuyển sang công tác Đảng, rồi thành quan đầu tỉnh. Bất kể hàng loạt scandal, cuối năm ngoái, thân mẫu bà Trang vẫn là người dẫn đầu về tỷ lệ được Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tặng phiếu “tín nhiệm cao”. Hai tháng sau thân mẫu bà bị tống giam.
Tuy nhiên, theo tác giả, bà Trang chỉ là một trong hàng loạt “hồng phúc dân tộc” bỗng nhiên bạc phúc như thế…
Ý Nhi – thoibao.de