Ngày 27/3, RFA Tiếng Việt có bài “Yêu cầu “đột phá” của Thủ tướng vẫn giáo điều lỗi thời!”
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ 2 của Tiểu ban Kinh tế – xã hội, chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, hôm 26/3 đã yêu cầu, giai đoạn 2026 – 2030, phát triển kinh tế – xã hội đất nước phải có giải pháp đột phá về tăng cường phân cấp phân quyền, giảm thủ tục hành chính.
RFA dẫn quan điểm của Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, nhận định:
“Các thể hiện của ông Thủ tướng cho thấy, ông không nắm vững các chính sách và không biết nên thực hiện những gì để đạt được các mục tiêu đó. Ông chỉ khoa trương những lời chung chung mà không thực chất và ai cũng biết, và có thể nói được, như biến đổi khí hậu, già hoá dân số, công nghiệp lần thứ 4…
Câu hỏi làm gì để giải quyết các vấn đề đó thì ông lại không nói và không biết, mà đùn đẩy câu trả lời về cho Tiểu ban Kinh tế của Quốc hội để nghiên cứu tiếp. Đó không phải là cách làm của một người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ, vì nó thể hiện sự thiếu khả năng.”
RFA cho biết, tại phiên họp hôm 26/3, Thủ tướng Chính đã giao Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu sâu các nội dung, bám sát các chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề cương chi tiết của Báo cáo kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, y tế…
RFA dẫn tiếp nhận định của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng:
“Đấy là mục tiêu cao để phấn đấu, còn đạt được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, tùy thuộc tình hình ổn định kinh tế chính trị ở khu vực, tùy thuộc tình hình kinh tế thế giới có thuận lợi hay không, và Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hay không? Tôi nghĩ rằng nếu cố gắng phấn đấu thì Việt Nam có thể đạt được.”
Dưới một góc nhìn khác, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn cho RFA biết ý kiến:
“Yêu cầu của ông Phạm Minh Chính đặt trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng thứ 14 vào tháng 1/2026 (trước 2 năm). Trong đó có yêu cầu phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng thứ 13, mà Đại hội 13 tổ chức vào tháng 1/2021, thì các văn kiện đại hội đã chuẩn bị từ năm 2019 – 2020… Từ đó đến nay đã 5 năm, như vậy thì các văn kiện, các chủ trương quan trọng nhất trong Đảng đã lỗi thời.”
Bởi vì theo ông Già, 5 năm qua, tình hình ở Việt Nam biến chuyển quá nhanh, bất ngờ, ngoài dự đoán của tất cả các giới.
“Thứ nhất là đại dịch COVID-19 đã đẩy Việt Nam vào một tình thế vô cùng tồi tệ, chưa từng có trong lịch sử… và kéo theo là yếu tố nhân sự của Đảng vô cùng bất ngờ và rối trí cho tất cả các giới… từ ông Nguyễn Phú Trọng, qua ông Nguyễn Xuân Phúc, qua ông Võ Văn Thưởng và sắp tới đây không biết là ai.”
“Thứ ba là vấn đề chống tham nhũng, càng chống càng sa lầy.”
“Bởi vì, một bên là phải bảo vệ, còn một bên thì phải xử lý… điều này chứng tỏ tự thân bộ máy làm việc hoàn toàn trì trệ. Nó đã gieo trong tâm lý của những người làm việc trong nhà nước hiện nay là không dám làm… Một người công chức nói chung mà không dám làm mà chỉ nghĩ tới tham nhũng thôi… là những con người mục nát về tinh thần, sẽ dẫn tới toàn bộ công việc trong xã hội trì trệ, bế tắc… đó là điều tất yếu.”
Vì vậy, với yêu cầu của Thủ tướng Chính, ông Già cho rằng, nếu đặt trong mô hình độc đảng toàn trị và pháp luật chỉ là hình thức, thì yêu cầu này thể hiện xã hội rối ren, bế tắc, mất phương hướng… Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, yêu cầu của ông Chính trong Tiểu bang Kinh tế Xã hội chỉ lẩn quẩn trong những giáo điều đã lỗi thời.
Xuân Hưng – thoibao.de