Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mất chức và trở thành Chủ tịch nước Việt Nam có thời gian tại vị ngắn ngủi nhất, vẻn vẹn có hơn một năm.
Ông Võ Văn Thưởng lâu nay vẫn được đánh giá là người thân cận với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhân vật quyền lực hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trước đó, theo giới phân tích, cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được đánh giá là một chính khách trẻ có lý luận, và có vai trò nổi bật trên chính trường Việt Nam hiện nay. Sự thăng tiến của ông Thưởng trong tương lai có khả năng sẽ tiến rất xa.
Việc ông Thưởng gặp trắc trở trong hoạn lộ, bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 và Quốc hội khóa 15 thông qua nghị quyết miễn nhiệm tất cả các chức vụ. Điều đó đồng nghĩa với việc chấm hết sự nghiệp chính trị của ông Thưởng.
Theo giới quan sát, điều đó cho thấy, chính trường Việt Nam đang có các biểu hiện hết sức bất thường, rất đáng lo ngại. Đại hội 13 của Đảng mới đi qua hơn 3 năm, mà đã có 2 lần thay đổi nhân sự của chiếc ghế Chủ tịch nước – một trong 4 ghế quyền lực cao nhất, trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Tuy nhiên, gốc gác của ông Thưởng đến nay vẫn là một điều “bí ẩn”, tương tự gốc gác của ông Nông Đức Mạnh – cựu Tổng Bí thư. Câu hỏi “Võ Văn Thưởng là con ai, hay cha mẹ Võ Văn Thưởng là ai?”, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Chỉ biết, ông Võ Văn Thưởng sinh ở Hải Dương, miền Bắc Việt Nam, nhưng quê cha ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Đáng chú ý, ông Thưởng đi lên từ cán bộ Đoàn, không mấy nổi bật, nhưng lại thăng tiến rất nhanh. Khi còn làm cán bộ Đoàn ở Sài Gòn, Võ Văn Thưởng đã được ông Võ Văn Kiệt đỡ đầu. Điều kỳ lạ là, ông Thưởng được cả 2 nhân vật, vốn là đối thủ chính trị, chẳng ưa gì nhau, nhưng đồng lòng ủng hộ. Đó là Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang.
Dựa trên quá trình thăng tiến nhanh chóng của Võ Văn Thưởng, có thể thấy, Thưởng cũng thuộc diện “con ông cháu cha” như các nhân vật “hạt giống đỏ” khác của Đảng. Từ năm 2004, khi mới 34 tuổi, ông Thưởng đã làm Bí thư Quận ủy quận 12, Sài Gòn. Từ tháng 1/2007, khi ông Thưởng 37 tuổi, đã là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Rồi đến từ tháng 8/2011, ở tuổi 41, ông Thưởng đã trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Chuyện ông Thưởng lâu nay được đánh giá là một nhân vật khá trong sạch, do chưa có các bê bối liên quan đến tiền bạc là điều có thật. Tuy nhiên, đến nay, đã có những cáo buộc tham nhũng trong thời gian ông Thưởng làm Bí thư Quảng Ngãi, lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo đó, năm 2012, khi ông Võ Văn Thưởng là Bí thư Quảng ngãi (2011 – 2014), Tập đoàn Phúc Sơn của Nguyễn Văn Hậu đã trúng thầu một dự án thuộc tuyến đường bờ nam sông Trà Khúc, dài 9 km, có vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng.
Bộ Công an đã gián tiếp cáo buộc Võ Văn Thưởng, trong thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đã thông qua người thân là ông Đặng Trung Hoành – Bí thư Huyện ủy huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long, để nhận 64 tỷ đồng từ tập đoàn Phúc Sơn, được cho là dùng để xây nhà thờ tổ cho ông Thưởng.
Theo giới quan sát, ông Thưởng có một mối quan hệ “đặc biệt”, trên mức bình thường với ông Lê Thanh Hải – cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch, cựu Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh trước đây.
Ông Lê Thanh Hải được mệnh danh là “sâu chúa” – một trùm tham nhũng, và là người chống lưng cho bà Trương Mỹ Lan – người hiện đang hầu tòa với các cáo buộc tham nhũng rất nghiêm trọng.
Từ tháng 4/2014, dưới sự vận động của Bí thư Lê Thanh Hải, ông Thưởng đã giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó, Lê Thanh Hải hy vọng rằng, sau Đại hội 12 (vào tháng 2/2016), ông Thưởng sẽ nắm chức Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, ông Thưởng cũng có vai trò không nhỏ trong việc “giải cứu” cho Lê Thanh Hải thoát án truy tố, về những sai phạm hết sức nghiêm trọng, nhất là vụ tham nhũng liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nhờ ông Võ Văn Thưởng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, cựu Chủ tịch Quốc hội, cùng cho rằng, chỉ nên xử lý kỷ luật ở mức “cảnh cáo” đối với ông Lê Thanh Hải. Với lý do, cần cân nhắc đến cả quá trình công tác, sự cống hiến, đóng góp của ông Hải đối với Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng, ông Hải chỉ bị kỷ luật cách chức nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Những điều vừa kể cho thấy, trong quá khứ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có mối quan hệ chằng chịt với nhóm lợi ích Sài Gòn của Lê Thanh Hải, kể cả với Chủ tịch Vạn Thịnh Phát – bà Trương Mỹ Lan. Qua đó để thấy, ông Thưởng không hề “sạch” như nhiều người lầm tưởng./.