Lãnh đạo Việt Nam có chịu nghe góp ý của dân?

Ngày 1/4, blog Thiên Hạ Luận trên VOA Tiếng Việt bình luận “Bắt bao nhiêu, trong bao lâu thì hết cán bộ “thoái hoá, biến chất”?”

Tác giả đề cập đến vụ bắt giữ cựu Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ khiến nhiều người hả hê.

Tác giả dẫn bài viết của nhà báo Thu Hà trên báo Tiếng Dân, theo đó, ông Chữ là “điếu đóm” cho nhiều nhân vật “tai to, mặt lớn” đi lên từ Quảng Ngãi, như ông Hồ Nghĩa Dũng – cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải; Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án Tối cao); Võ Văn Thưởng – cựu Chủ tịch nước.

Ngược lại, nhờ hậu thuẫn của những cá nhân đó, ông Chữ từng bước tiến thân, trở thành Bí thư Quảng Ngãi. Cho dù nổi tiếng giàu có vì “ăn không chừa thứ gì”, thâu tóm, chia chác quyền lực, bảo trợ cho gia đình vợ cướp đất của dân, thậm chí dám thu hồi đất quốc phòng để giao cho Tập đoàn FLC… nhưng ông Chữ vẫn “bình an, vô sự”.

Tác giả cũng dẫn nhà báo Nguyễn Thông, kể một chuyện xảy ra cũng cách nay 4 năm. Lúc đó, nhà báo được một người bà con đưa đi chiêm ngưỡng tư dinh của ông Lê Viết Chữ ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, mà theo ông là “bề thế hơn cả phủ của lãnh chúa Trung phần”. Đáng nói là biệt thự này chỉ xây dựng cho có rồi để đó, giao cho người khác trông coi, chứ không dùng đến.

Không phải tự nhiên mà Nguyễn Thông có cùng nhận xét như rất nhiều người: Xứ An Nam ta, bây giờ ngày nào không bắt cán bộ tự dưng dân cảm thấy hẫng hụt, buồn buồn, kém vui.

Theo tác giả, từ chuyện Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng liên tục đề xuất và Bộ Chính trị kỷ luật hàng loạt cán bộ cao cấp trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Chu góp ý: “Cần các biện pháp khác để tiêu diệt quốc nạn tham nhũng đến tận gốc rễ”.

Ông Chu nhận định: Công tác nhân sự các khoá 11, 12, 13 đều đã để lọt những người không đạt tiêu chuẩn  không phải họ mới mắc khuyết điểm mà là bây giờ mới phát hiện raDo vậy, câu hỏi hiển nhiên là, ai chưa bị phát hiện?

Thực tế cho thấy, rất khó tìm ra người không tham nhũng, vì: Từ cán bộ cơ sở đi qua các cấp huyện, tỉnh, tới Trung ương, hay từ cấp phòng, vụ tới bộ, đã bị “nhúng” trong môi trường làm việc mà tham nhũng mang tính phổ quát, thì khó hoàn toàn trong sạch. Ngay cả đưa một người trong sạch, chưa có chức vụ gì vào tham gia bộ máy ở cấp Trung ương, thì khi nằm trong bộ máy cũng sẽ chịu sự chi phối của môi trường, từ không tham nhũng lại có thể sẽ dính vào tham nhũng… 

Do vậy, ông Chu nghĩ rằng: Muốn loại trừ tận gốc phần lớn nạn tham nhũng, thì quan trọng bậc nhất là cải cách thể chế, cải cách phương thức quản lý nhà nước. Thay đổi phương thức tuyển chọn nhân sự.

Ông Chu khuyến cáo: Cần phải xem lại cách làm nhân sự trước nay, vì cách làm nhân sự này không chỉ dẫn đến tình trạng lãnh đạo thế hệ sau không bằng lãnh đạo thế hệ trước, mà nguy hiểm hơn, là việc bảo vệ và duy trì quyền lực, dẫn đến nguy cơ làm gia tăng tham nhũng quyền lực.

Ông Chu cũng cho rằng: Mở rộng dân chủ trong Đảng để cho số đông lựa chọn nhân sự là phương thức tốt nhất trong công tác nhân sự, được thực tiễn kiểm nghiệm. Đó là con đường duy nhất đúng để tìm ra lãnh đạo có tài, có đức. Hơn thế nữa, mở rộng dân chủ để số đông lựa chọn lãnh đạo còn là biện pháp hữu hiệu nhất chống lại tham nhũng quyền lực – nguy hiểm nhất trong các hình thức tham nhũng. Tự nguyện từ bỏ quyền lực là điều vô cùng khó khăn, con đường mở rộng dân chủ đầy gian truân và nói đến mở rộng dân chủ trong Đảng, cũng là nói đến mở rộng dân chủ trong dân.

Tác giả nhận xét, có thể xếp ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Chu vào loại “gan ruột”, nhưng bao nhiêu người tin giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam chịu nghe, chịu ngẫm nghĩ?

 

Quang Minh – thoibao.de