Ngày 4/4, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Tô Đại tướng chọn “quân bài domino” nào tiếp theo?” của blogger Trần Hiếu Chân.
Tác giả nhận xét, thành ngữ “cưỡi trên lưng hổ khó xuống” “khớp” với hiện tình của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, sau khi tạo ra cơn địa chấn chính trị lớn nhất trong lịch sử đấu đá nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là vụ “ngã ngựa” của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Và bây giờ, theo tác giả, “quân bài domino” ông Tô đang nhắm tới, dư luận Hà Nội râm ran mấy tuần nay, đó là bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Thường trực Ban bí thư.
Tác giả cho rằng, Tô Lâm “rung cây dọa khỉ” khi vừa khai thác hồ sơ của Nguyễn Công Khế – cấp dưới cũ của bà Mai, vừa mở rộng điều tra vụ Phúc Sơn khi úp mở “vụ này đã phát hiện ra một dạng tội phạm mới “bằng cách dựa vào mối quan hệ thân quen là người có chức vụ, quyền hạn”, thì có tin, bà Mai đã viết 2 lá đơn, từ luôn cả 2 chức. Và bà phàn nàn: “Các anh suốt ngày bắt bớ, triệt hạ lẫn nhau… Tôi lấy làm đau lòng”.
Tác giả bình luận, bà đau lòng hay đau ruột, Tô Đại tướng không quan tâm. Ông đang nhắm tới 2 cái ghế quan trọng của bà cho thuộc hạ.
Bố trí được người vào 2 ghế của bà Mai, Tô Lâm mới thực sự yên tâm nhường ghế cho Phan Đình Trạc, để ông ngồi vào “vị trí tạm” nào đó, làm “bàn đạp” lên ghế Tổng Bí thư.
Tác giả đánh giá, “cưa tiếp” ghế bà Mai sẽ là một quyết định “dò đá qua sông” và có ý nghĩa “bước ngoặt thứ hai”…
“Cưa ghế” Thưởng đã trở thành “bước ngoặt đầu tiên” đối với cuộc tỷ thí trên thượng tầng Bộ Chính trị.
Một bí mật cung đình có thể sẽ không bao giờ được tiết lộ, đó là, lần “cưa ghế” Thưởng vừa rồi, Tô Lâm có trong tay “thượng phương bảo kiếm” của Tổng Bí thư, hay Tô Đại tướng chơi đòn “đánh úp”. Bởi vì, sáng 13/3, Chủ tịch nước dự khai mạc cuộc họp của Ban Nhân sự, thì ngay ngày hôm sau, 14/3, Vua và Hoàng hậu Hà Lan được Việt Nam yêu cầu đình hoãn chuyến thăm cấp Nhà nước.
Tác giả châm biếm, nếu thành tựu “hai bước ngoặt” nói trên, Tô Đại tướng sẽ củng cố tiến trình “nhân giống nhãn lồng Hưng Yên”, trong hệ thống công an tỉnh trên phạm vi toàn quốc.
Tác giả phân tích, điều có ý nghĩa đặc biệt ở đây là, Tô Đại tướng đã loại bỏ các khâu trung gian rườm rà, phải theo “quy trình” trước đó. Hầu như, Tô Đại tướng cho Thưởng “knock-out” ngay sau phiên họp Bộ Chính trị ngày 13/3. Thưởng không kịp trở tay, chấp nhận viết đơn mà không chờ phải ép!
Trước đó, ngày 8/3, Công an cũng bắt luôn đương kim Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, mà không cần thông qua các ban bệ bên Đảng. Như vậy, từ nay, Tô Đại tướng có thể một mình một ngựa, bắt bất cứ uỷ viên Trung ương, thậm chí là uỷ viên Bộ Chính trị nào “ngáng đường” ông. Ấy là giới quan sát “vỉa hè” Hà Nội đồn đại như thế.
Nhưng, tác giả cho biết, theo tin rò rỉ, mọi chuyện cũng không dễ dàng như vậy! Ngoài bà Mai, ông Tô sẽ phải chọn thêm “quân bài domino” nào trong cuộc chinh phạt, dọn đường cho ông và các đồng đảng cùng phe cánh tiến về đích, là điều Tô Đại tướng đang đau đầu.
Tác giả nhận định, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cựu Trưởng ban Kinh tế Trần Tuấn Anh, Chánh án Nguyễn Hòa Bình… đều chỉ là những “món gỏi” trong bữa tiệc của Tô Đại tướng. Cho mấy thanh củi ấy vào lò chẳng qua chỉ là để giúp Tổng Bí thư cứu vớt đôi chút “tính chính danh” còn rơi rớt lại của Đảng lẫn chế độ.
Nhưng Tô Lâm đang đau đầu, vì những tính toán đang bế tắc khác!
Tác giả kết luận, Tô Bộ trưởng gặp khúc mắc trong việc chọn đủ “các món chính” cho bữa đại tiệc. Trong khi không thể “cưa” một lúc quá nhiều ghế trong “Bộ Tứ”, “Bộ Ngũ”. Tính sao cho kín võ và không lộ bài qua lố?
Xuân Hưng – thoibao.