Cung đình kịch chiến, cả đàn tranh nhau “cầu viện” Bắc Triều?

Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, có một clip ghi âm bị rò rỉ. Đó là buổi nói chuyện của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc với các cán bộ hưu trí cao cấp tại Câu lạc bộ Thăng Long. Trong đó, ông Ngọc có nhắc đến việc, Tổng Trọng đã cử người sang Bắc Kinh, giải thích rõ ràng với phía Trung Quốc về chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ. Tuy ông Ngọc cho rằng, “ta” đã rất khôn khéo, nhưng nhiều người lại đánh giá, đây chính là hành động của kẻ bạc nhược, sợ Trung Quốc nghĩ rằng Việt Nam qua mặt họ.

Tuy trong tiêu ngữ được đặt dưới Quốc hiệu Việt Nam, trên mọi loại giấy tờ chính thức của chế độ, là Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc, nhưng thực chất, Đảng Cộng ản Việt Nam không hề độc lập quyết định chính sách ngoại giao của mình, đặc biệt là chính sách ngoại giao với Mỹ.

Đảng muốn xích lại gần Mỹ, nhưng chỉ xích lại về kinh tế, còn về chính trị là “lằn ranh đỏ” mà Bắc Kinh vạch ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam muốn thiết lập quan hệ ngoại giao gì với Mỹ, hoặc muốn hợp tác về lĩnh vực nào đó, thì phải “xin phép” trước với Bắc Kinh. Điều này cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam thuần phục Bắc Kinh hoàn toàn. Điều này đã diễn ra từ năm 1990 tại Thành Đô, và kéo dài cho đến nay, các đời lãnh đạo kế tiếp nhau của Đảng Cộng sản Việt Nam đều phải thể hiện sự thuần phục, qua việc “xin phép” và “báo cáo” với Bắc Kinh đều đặn.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lúc này là kẻ nắm toàn quyền trong Đảng, vậy mà lại cúi mình ngoan ngoãn trước Bắc Kinh. Điều đó cho thấy, vị trí người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đang bị “nhốt trong vòng kiềm tỏa” của Bắc Kinh. Có thể nói, điều kiện để vượt qua “vòng gửi xe” của các ứng viên đối với ghế Tổng Bí thư, là phải thể hiện sự thuần phục, tỏ thái độ ngoan ngoãn kiểu “làm gì khai nấy” với Bắc Kinh.

Ngay khi chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc, thì ông Tô Lâm đã lập tức sang Trung Quốc. Đây được xem là sự tranh thủ của Tô Lâm trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mặc dù ông Tô Lâm không gặp được ông Tập, nhưng thông điệp của ông đã lọt tai họ Tập. Đáng sợ là, ông Tô Lâm chính là người thực hiện công tác an ninh cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.

Quan sát những hành động của Tô Lâm trong hơn một năm qua, thì có thể thấy rằng, ông Tô Lâm dám “tạo phản” với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng lại tỏ ra ngoan ngoãn đối với Tập, mặc kệ cung đình đang kịch chiến. Điều đó cho thấy, Tập Cận Bình như là một người chủ của “sàn đấu”, có vẻ như, ông ta đang đứng ngoài, để “chọn gà” cho chiếc Tổng Bí thư sắp tới vậy.

Từ ngày 7 đến ngày 12/4 tới đây, ông Vương Đình Huệ sẽ thăm chính thức Trung Quốc. Trong bối cảnh các phe phái cạnh tranh khốc liệt tại cung đình, mà Vương Đình Huệ lại là một trong các đối thủ của Tô Lâm. Cho nên, chuyến đi này được đánh giá là đi “thuyết pháp” với phía Trung Quốc. Tô Lâm đã tranh thủ được sự ủng hộ của Bắc Kinh, nếu Vương Đình Huệ không tranh thủ được, thì có thể xem là “tự đánh mất cơ hội của chính mình”.

Vì không có dân chủ, dân không được quyền chọn người lãnh đạo đất nước. Người đứng đầu Đảng, trên danh nghĩa không điều hành đất nước, nhưng thực chất lại đang nắm quyền sinh quyền sát đối với 100 triệu dân Việt.

Các phe phái đánh nhau “chí tử”, cũng chỉ vì một mục đích là “đoạt ngôi báu”, nhằm thỏa mãn tham vọng quyền lực và trục lợi. Còn hậu quả đối với đất nước thế nào thì họ không quan tâm. Đất nước tụt hậu, người dân đói khổ, kinh tế khó khăn, chính trị rơi vào vòng kiềm tỏa của Trung Cộng, họ cũng chẳng màng. Họ chỉ cần có quyền lực cao nhất trong Đảng là đủ. Chính vì vậy, Bắc Kinh mới là bên hưởng lợi. Họ đứng từ xa giật dây, nhân vật nào muốn lên, thì tất nhiên, nhân vật đó phải mang lại lợi ích cho tham vọng của họ.

 

Quang Minh – thoibao.de