Nếu chỉ dựa vào xuất khẩu lao động, Việt Nam sẽ mất đi nhiều cơ hội

Ngày 15/4, RFA Tiếng Việt có bài “Chuyên gia: xuất khẩu lao động không có lợi cho Việt Nam về lâu dài”.

RFA cho biết, trong bối cảnh nhiều ngành hàng kinh tế của Việt Nam đều không có đơn hàng, phải đóng cửa hoặc giảm nhân sự hàng loạt, thì xuất khẩu lao động được coi là một cái phao cứu nguy cho nền kinh tế, cũng như mang lại cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam.

Năm 2023, lượng kiều hối đổ về Việt Nam cao kỷ lục, với 16 tỷ USD, chiếm khoảng 4% GDP và tương dương 2/3 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân của Việt Nam.

RFA dẫn một bài viết được đăng tải trên trang web Fulcrum hôm 4/3, có tựa đề tạm dịch là “Xuất khẩu lao động của Việt Nam: Lợi ích kinh tế hay tai họa cho sự phát triển?”

Trong đó, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang nhận định, Chính phủ Việt Nam coi xuất khẩu lao động là giải pháp then chốt để phát triển nguồn nhân lực, giải quyết vấn đề thất nghiệp, tạo kiều hối và nâng cao kỹ năng cho người lao động. Vì vậy, kể từ năm 2010, hơn 1,4 triệu người Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng ngắn hạn.

Theo RFA, do đó, Bộ Lao động tiếp tục đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2024, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức…

RFA dẫn đánh giá của Thạc sỹ Luật học Trịnh Khánh Ly – người từng làm việc cho Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội, rằng, nếu đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật, trình độ cao đi xuất khẩu lao động tại những nước có nền kinh tế phát triển, để tiếp thu thêm những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, và trở về phục vụ đất nước, thì đây là một lợi thế. Tuy nhiên, nếu lực lượng lao động này không trở về, thì đó là tổn thất cho đất nước. Mà số lượng lao động trình độ cao ra nước ngoài làm việc rồi “quay trở về Việt Nam là rất ít”.

Dù lượng kiều hối tăng cao mang lại lợi ích cho kinh tế, tuy nhiên, theo tiến sỹ Khánh Ly, chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động của Việt Nam là không phù hợp và không có lợi về lâu dài đối với kinh tế – xã hội Việt Nam.

Nguyên do, theo bà Khánh Ly, vì những lao động không có trình độ đi xuất khẩu lao động đều rất trẻ, phần lớn không nói được tiếng sở tại, khó tiếp cận được các kiến thức, kỹ năng chuyên môn của các nước phát triển. Sau khi trở về, họ đã trở thành lao động lớn tuổi, sức khỏe suy giảm, lại không có kiến thức, kỹ năng chuyên môn, khiến họ khó tái hòa nhập cuộc sống tại Việt Nam.

Bà Khánh Ly nhận định, nhóm lao động này ở nước ngoài đã và đang gặp rất nhiều rủi ro, như phí môi giới quá cao mà tiền lương lại thấp, khiến nhiều người bỏ trốn và làm việc bất hợp pháp.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa thiết lập được một hệ thống quản lý và hỗ trợ lao động Việt Nam tại các nước sở tại, vì vậy, khó có thể hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi một cách hiệu quả cho họ khi cần.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Khắc Giang, xuất khẩu lao động cũng kèm theo nhiều thách thức, hệ lụy cho xã hội. Ví dụ, nguy cơ tan rã cấu trúc gia đình truyền thống.

RFA dẫn lời chị T ở Bắc Giang, có chồng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, nói:

“Nhiều nhà có một người đi, một người ở nhà, thì dễ nảy sinh vấn đề lắm. Nhưng mà giờ ở quê mình kinh doanh thất bại thì phải đi thôi.”

Tiến sỹ Giang cho rằng, xuất khẩu lao động nên được tiếp cận như một đòn bẩy tạm thời, chứ không phải là động lực tăng trưởng vĩnh viễn. Việt Nam phải xây dựng một chiến lược dài hạn nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu lao động, tập trung vào phát triển thị trường lao động trong nước cạnh tranh, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động.

Đồng quan điểm, bà Khánh Ly cho rằng:

“Việt Nam nên chú trọng hơn vào việc đào tạo lao động để phục vụ cho các ngành sản xuất đang ngày càng đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế. Nếu không kịp thời thay đổi chính sách, thì Việt Nam sẽ mất nhiều cơ hội khi mà chỉ hơn 10 năm nữa sẽ qua giai đoạn dân số vàng, và bước vào giai đoạn dân số già.”

 

Xuân Hưng – thoibao.de