Cổ phiếu VFS ngày đầu tuần đã giảm 10% so với ngày cuối tuần trước, chỉ còn 3,26 đô la/cổ phiếu. Nguyên nhân bởi Công ty luật Robbins Geller Rudman & Dowd LLP đã khởi kiện. Có lẽ, hãng luật này đã tìm thấy sự lừa dối của VinFast, về việc báo cáo sai lệch hoặc làm nhẹ đi những khó khăn về tài chính, nhằm mục đích thu hút các nhà đầu tư cổ phiếu. Hãng luật này cũng cảnh báo những người mua cổ phiếu của VinFast có thể chịu tổn thất đáng kể, khi vụ kiện này bắt đầu.
Hồi tháng 11 năm ngoái, hãng luật này đã phát đi thông báo tìm kiếm khách hàng bị lừa dối, để kiện hãng VinFast. Đáp lại, Bà Hồ Ngọc Lâm – Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn VinGroup, kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách pháp chế VinFast, nói rằng “việc kiện tụng là hết sức bình thường, thường xuyên ở Mỹ. Chúng tôi luôn sẵn sàng đối diện với việc này, từ khi quyết định triển khai các hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ”.
Thị trường chứng khoán Mỹ phát triển dựa trên sự minh bạch. Trong khi, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị xếp hạng ở mức “thị trường cận biên” – thứ hạng thấp nhất trong thang xếp hạng thị trường chứng khoán thế giới. Do đó, giữa 2 thị trường này có sự khác biệt rất lớn.
Tại Việt Nam, các công ty niêm yết có thể dùng nhiều thủ đoạn để lừa dối khách hàng một cách dễ dàng, mà các vụ án: Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng, Trương Mỹ Lan, là những minh chứng. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư không được bảo vệ quyền lợi hợp pháp như tại thị trường chứng khoán Mỹ.
Việc lên sàn Nasdaq là một thuận lợi, nhưng cũng là thách thức lớn đối với VinFast. Sẽ là thuận lợi nếu ông Phạm Nhật Vượng chịu học theo cách làm của những doanh doanh nghiệp toàn cầu. Đó là đề cao tính minh bạch, trung thực, tôn trọng khách hàng vv… Sẽ là thách thức lớn, và thậm chí là thách thức không thể vượt qua, nếu VinFast vẫn trung thành với lối làm ăn thiếu rõ ràng, không tôn trọng khách hàng và lừa dối nhà đầu tư, như một số doanh nghiệp lên sàn ở Việt Nam đã làm.
Ở Việt Nam, nhà đầu tư chứng quá là những người bị lừa dối nhiều nhất. Họ là những con mồi đối với những “doanh nhân” lừa đảo, như Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng, bởi các nhà đầu tư không được ai bảo vệ.
Ở thị trường chứng khoán Mỹ, có những công ty như Công ty luật Robbins Geller Rudman & Dowd LLP, vừa giám sát và phát hiện những sai phạm của các doanh nghiệp, và thực hiện những vụ kiện để bảo vệ nhà đầu tư. Được biết, những công ty này có hẳn một nhóm các chuyên viên điều tra, đặc biệt với những SPAC như VinFast, nhằm giải quyết các rủi ro, cụ thể liên quan đến các công ty khai báo khống. Nếu VinFast vẫn làm ăn như ở Việt Nam, khó mà thoát được vụ kiện này.
Vụ kiện này sẽ kéo dài rất nhiều tháng. Nhưng chỉ cần bị kiện thì giá cổ phiếu đã lao dốc, chứ không cần kết quả thua kiện. Với việc kiện cáo kéo dài, thì cũng đủ để đẩy cổ phiếu VFS về mức “cổ phiếu rác”. Xem ra, số phận VinFast đã an bài, vì hiện nay, có 2 hãng luật đã nộp đơn kiện.
Theo báo cáo, đến ngày 31/12/2023, nợ ngắn hạn và dài hạn của VinFast lần lượt là hơn 5,8 tỷ USD và hơn 2,4 tỷ USD – tổng cộng nợ hơn 8,2 tỷ USD. Thời điểm cuối năm 2023, lỗ lũy kế của VinFast là 7,7 tỷ USD. Đáng nói là, khoản lỗ năm sau cao hơn năm trước, đồng nghĩa, khối nợ sẽ phình to hơn, trong năm 2024 này. Con số 8,2 tỷ USD chưa phải là con số cuối cùng.
Nợ phình to, cổ phiếu lao dốc không phanh, bị kiện cáo bủa vây, xem ra, số phận của VinFast trên đất Mỹ đã định đoạt. Chiến lược “Mỹ tiến” của ông Vượng xem như thất bại hoàn toàn. Vấn đề là, làm sao để rút chân ra khỏi Mỹ, khi mà Công ty đang bị kiện? Có lẽ, đất Mỹ sẽ là “mồ chôn” cho một chiến lược tham vọng, nhưng vội vã của ông Vượng.
Ông Vượng không loại trừ, đất Mỹ cũng là nơi có thể sẽ kéo đổ cả tập đoàn, bởi số tiền nợ hiện nay rất lớn.
Hoàng Phúc – Thoibao.de