Lật trụ Võ, tung võ vào Trụ Vương, cô lập trụ Tổng, thâu tóm cả 2?

Võ Văn Thưởng bị lật, ghế Chủ tịch nước còn đang bỏ trống thì Tô Lâm tấn công tiếp vào Vương Đình Huệ. Gần như, Tô đánh đấm liên tục không ngừng nghỉ.

Trước đây, sức mạnh của ông Tổng chính là Ban Bí thư và Bộ Công an. Trong đó, nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh nắm nhiều vị trí chủ chốt trong Ban Bí thư. Ông Nguyễn Phú Trọng tạo được sức mạnh một phần nhờ vào nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh. Ngược lại, nhóm này cũng nhờ quyền lực của Tổng Bí thư để củng cố sức mạnh. Nhưng giờ đây, Vương Đình Huệ bị tấn công mạnh, rất có thể Huệ Vương sẽ là Võ Văn Thưởng thứ 2.

Một khi Vương Đình Huệ ngã ngựa, thì điều đấy cho thấy, nhóm quyền lực do Tổng Bí thư gầy dựng nên đã rã đám, lúc đó, sức mạnh của nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh cũng rã theo. Ngay cả việc bao che cho Vương Đình Huệ mà Trần Cẩm Tú cũng không dám, thì đủ thấy, nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh cũng đang bị chia rẽ bởi đòn hiểm của Tô Lâm.

Bản thân Tô Lâm cũng là kẻ có tì vết đầy mình. Vụ án Mobifone mua AVG có sự tham gia của Tô Lâm rõ ràng như thế, mà họ Tô vẫn nhân danh “sự trong sạch” của Đảng, để đánh vào Vương Đình Huệ. Một kẻ không thèm che mặt nạ, lại đi lột mặt nạ của kẻ khác. Tô Lâm và Vương Đình Huệ đều nhem nhuốc như nhau, nhưng ông Huệ có khả năng sẽ bị định tội, còn Tô Lâm thì không.

Đấy là thứ luật mới trong Đảng, luật này được biết đến với cái tên quen thuộc “luật là tao, tao là luật”.

Nếu Vương Đình Huệ bật gốc, có khả năng Phạm Minh Chính cũng sẽ không dám “hé răng”, mà chấp nhận an phận thủ thường với chiếc ghế Thủ tướng. Bởi khi Vương Đình Huệ chưa ngã ngựa, Tô Lâm có 2 đối thủ. Nhưng sau khi Vương Đình Huệ ngã ngựa, thì Tô Lâm chỉ còn 1 đối thủ. Với “hồ sơ đen” của các “đồng chí”, Phạm Minh Chính khó mà ra mặt cạnh tranh với Tô Lâm.

Như vậy, sau khi quật được “Trụ Vương”, thì xem như, Tô Lâm đã cô lập được Tổng Bí thư. Ban Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng giờ đây cũng không còn chỉ biết nghe lời ông, mà còn phải nhìn xem thái độ của Tô Lâm mà hành xử.

Sau khi Vương Đình Huệ chính thức rời ghế, thì xem như, Bộ Chính trị khóa 13 chỉ còn đúng 13 người, trong đó, Tứ Trụ lại bị khuyết đến 2 ghế. Nếu ông Tô Lâm mà ép được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải rời ghế trước Đại hội 14, thì Bộ Chính trị chỉ còn 12, Tứ trụ còn 1, nhân sự thiếu nghiêm trọng. Có thể lúc đó, với vai trò là kẻ chiến thắng tuyệt đối, Tô Lâm có thể thâu tóm cả 2 ghế cùng một lúc, như Tập Cận Bình bên Trung Quốc đã làm, hoặc như ông Nguyễn Phú Trọng đã làm sau khi ông Trần Đại Quang chết.

Trong quá trình loại ông Huệ, Tô Lâm giữ ông Trọng như là một “nhân chứng sống”, chứng kiến việc Tô Lâm dùng chính luật mà ông Trọng đã ban ra, để loại đệ tử ruột của ông. Sau khi Vương Đình Huệ chính thức rời ghế, thì liệu Tổng Trọng có còn giá trị lợi dụng đối với Tô Lâm hay không?

Cuộc chiến cung đình đang hồi gay cấn, Vương Đình Huệ chưa phải là nạn nhân cuối cùng, bởi đích đến của Tô Lâm là ghế Tổng Bí thư, mà một khi muốn là kẻ chiến thắng mọi “kẻ thù” trong Đảng, thì không biết, Tô Lâm có còn để ông Trọng được yên hay không?

Hiện nay, ý đồ của Tô Lâm đã rõ, ông cho đánh dẹp hết mọi cá nhân có thể nhòm ngó vị trí Tổng Bí thư. Đánh gục những đối thủ này, Tô Lâm đạt được 2 mục đích, vừa loại được đối thủ cạnh tranh, vừa cô lập được Tổng Bí thư. Mà khi đã cô lập hoàn toàn Tổng Bí thư, thì có thể, Nguyễn Phú Trọng sẽ trở thành “vua bù nhìn” trong tay Tô Lâm. Khi đó, Tô Lâm muốn truất phế Tổng Trọng lúc nào thì truất. Hiện nay, vẫn chưa có đối thủ nào đủ tầm để nổi lên ngăn cản đà tiến của Tô Lâm.

 

Trần Chương – Thoibao.de