Đánh gục Võ Văn Thưởng xong, ghế Chủ tịch nước chưa kịp trám, thì Tô Lâm lại cho đánh tiếp Vương Đình Huệ. Hiện Tô Lâm đã buộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương ép Vương Đình Huệ nhận tội. Tuy nhiên, thông tin cho biết, Vương Đình Huệ đã phản ứng mạnh mẽ, chống đối quyết liệt, chứ không “ngoan ngoãn” như Võ Văn Thưởng. Huệ Vương đang cố tìm mọi cách để vụ việc không đưa ra Bộ Chính trị.
Với 63 giám đốc công an tỉnh được Tô Lâm bổ nhiệm, là 63 tai mắt của Tô Lâm, để thu thập hết những dây mơ rễ má của đối thủ và tung đòn khi cần. Lãnh đạo các tỉnh Vĩnh Phúc, Lâm Đồng và Quảng Ngãi, đã bị ông Tô cho “đánh úp” khi đang tại chức. Cho nên, ở các tỉnh đang có hiện tượng, quan chức cấp tỉnh “đình công ngầm”, tức là ỳ ra không làm việc, không ký tá hay triển khai dự án công, bởi họ sợ tay chân của Tô Lâm ập tới, bắt bất kỳ lúc nào. Bởi đang trong cao điểm của thời kỳ đấu đá nội bộ khốc liệt, chỉ một hành động thiếu suy nghĩ là có thể rơi vào bẫy.
Từ nay đến Đại hội 14 còn chưa đầy 20 tháng – đây sẽ là thời kỳ tồi tệ, khi mà kinh tế Việt Nam đã suy thoái suốt hơn 2 năm qua, lại tiếp tục rơi vào trạng thái đình trệ hơn. Các dự án công triển khai rất chậm, bởi quan chức e ngại, không dám nhận tiền “bôi trơn”, “hối lộ” hoặc “lại quả”… Mà khi quan chức ngần ngại, không nhận tiền thì cũng không phê duyệt dự án, do đó, các dự án rất khó triển khai. Văn hóa hối lộ, kê khống và lại quả, từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu đối với mọi dự án sử dụng vốn ngân sách.
Quốc gia nào cũng vậy, để điều hành nền kinh tế có 2 chính sách lớn, đó là chính sách tài khóa do Chính phủ triển khai và chính sách tiền tệ do Ngân hàng Trung ương triển khai. Ở Việt Nam hiện nay, chính sách tài khóa đang không được như mong đợi, bởi nguồn vốn đầu tư công bị tắc nghẽn khắp nơi.
Trước đây, các dự án đầu tư công thường bị chậm vì thủ tục rườm rà, các quy định của luật pháp đá nhau vv… Nhưng hiện nay, ngoài lý do trên, các dự án công còn bị trì trệ do có thêm sự “đình công ngầm” của các quan chức địa phương và các bộ, ngành Trung ương. Hiện nay, một dự án công có thể trở thành một cái bẫy, những người có liên quan rất dễ vào tù.
Thông thường, các dự án đầu tư công là một trong những cách mà Chính phủ sử dụng để kích cầu nền kinh tế. Việc triển khai các dự án sẽ giải quyết được một lực lượng lớn lao động, mang lại hợp đồng cho nhà thầu, từ đó kéo theo các ngành liên quan cũng khởi sắc.
Nhưng một khi các dự án đầu tư công bị nghẽn, thì nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng theo, đó là điều tất yếu.
Việc đấu đá ở cung đình khiến cho các quan chức Trung ương không còn tâm trí, sức lực, để nghiên cứu các chính sách phù hợp, cứu vãn nền kinh tế. Họ chỉ tập trung vào chuyện đánh và đỡ đòn của nhau, bởi điều này quyết định sinh mệnh chính trị của họ. Cho nên, dù quan chức có đề xuất một vài chính sách, thì đấy cũng không phải là những chính sách có chất lượng. Thêm nữa, việc có quá nhiều quan địa phương bị cầm tù, khiến cho những người “chưa bị lộ” phải thận trọng hơn.
Cho nên, thứ “văn hóa đấu đá” này mang lại cái hại kép cho nền kinh tế. Chính sách vừa không có chất lượng mà việc triển khai lại khó khăn.
Mỗi nhiệm kỳ 5 năm, thì nửa đầu nhiệm kỳ tạm ổn, nửa sau nhiệm kỳ, nền kinh tế luôn có nguy cơ tê liệt, vì giới lãnh đạo Trung ương còn bận đấu đá. Cứ như thế, chu kỳ này lặp đi lặp lại.
Trước đây, khoảng 1 năm trước khi diễn ra Đại hội Đảng, chính là lúc các bên “xỏ găng”, lên sàn đấu. Nhưng càng về sau, thời gian đấu đá càng dài ra. Ở nhiệm kỳ khóa 13 này, chỉ mới bước qua năm thứ 3, thì các bên đã tranh thủ đánh nhau, càng về sau càng khốc liệt.
Đấy là dấu hiệu của một chế độ thối nát, mục ruỗng. Từ Trung ương đến địa phương chỉ biết tranh giành quyền lực và quyền lợi, mà không màng tới trách nhiệm quản lý đất nước. Tương lai, người dân Việt Nam sẽ rất khốn khổ.
Hoàng Anh – Thoibao.de