Khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, nhiều người kỳ vọng rằng, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ lôi được Lê Thanh Hải vào lò, bởi đây là vụ án chấn động với số tiền tham ô rất lớn. Tuy nhiên, sau 2 năm điều tra và ra tòa, bóng dáng Lê Thanh Hải vẫn không xuất hiện.
Có thể nói, sai phạm của bà Trương Mỹ Lan tập trung ở 2 phần, thứ nhất là thâu tóm Ngân hàng SCB để rút tiền; thứ nhì là thâu tóm đất vàng.
Phần thâu tóm Ngân hàng SCB có liên quan đến một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và một tướng công an. Theo lời khai của bà Trương Mỹ Lan trước tòa, đó chính ông Trần Minh Tuấn – cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; và ông Phạm Quý Ngọ – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Điều kỳ lạ là cả 2 ông này đều đã chết, sau khi ông Phạm Chí Dũng khai đã nhận tiền của bà Lan và đưa cho ông Phạm Quý Ngọ.
Sau khi ông Phạm Minh Tuấn và ông Phạm Quý Ngọ chết, ông Tô Lâm cho ngắt mạch điều tra tại đây. Hành động này có thể nhằm bảo vệ các lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước, bởi dư luận cho rằng, chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, là chủ trương của Thống đốc, còn phó Thống đốc chỉ là người thừa hành.
Nếu không có một loạt các chính sách sai lầm của nhà nước, thì đã không có chuyện SCB để cho bà Lan rút tiền, khiến giờ đây, Ngân hàng Nhà nước phải lấy 24 tỷ đô la của dân, để cứu thanh khoản cho SCB nhằm tránh kinh tế sụp đổ. Người ra bất kỳ chủ trương nào cũng là người phải chịu trách nhiệm cao nhất. Nhưng dưới sự “tài tình” của Đảng, những người đưa ra chủ trương, chính sách đều bình an vô sự, bất kể nó sai đến đâu, bất kể gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào.
Không biết, việc ngắt mạch điều tra để bảo vệ Nguyễn Văn Bình và Lê Minh Hưng, là chủ trương của ai? Của ông Tổng hay của Tô Lâm? Ông Lê Minh Hưng là một trong những “đệ ruột” của ông Tổng. Cho nên, cũng có thể, ông Tô Lâm không động đến Lê Minh Hưng là vì “vùng cấm” của Tổng Bí thư. Còn trường hợp ông Nguyễn Văn Bình, giới thạo tin cho là, ông Hồ Mẫu Ngoạt đã rỉ tai ông Tổng, để ông cho ông Bình “hạ cánh an toàn”.
Có thể, các lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Nhà nước thoát vụ Vạn Thịnh Phát, là bởi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Vậy, còn câu hỏi, ai đã bao che cho ông Lê Thanh Hải trong sai phạm giao đất vàng cho bà Lan, trong suốt 1 nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố và 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Thành uỷ của ông Hải?
Từ lâu, ông Trọng đã muốn lôi ông Lê Thanh Hải vào lò, nhưng không được, chắc hẳn, ông Trọng không phải là người ra chủ trương tha cho ông Hải trong vụ Vạn Thịnh Phát. Như vậy, chỉ có thể là Tô Lâm đã chủ trương làm điều đó.
Mới đây, Truyền hình Nhân dân – một kênh truyền hình của tờ báo Nhân Dân, đã réo tên ông Hải trong vụ sai phạm Thủ Thiêm. Kênh này viện dẫn Điều 9 của Điều lệ Đảng, để chỉ ra sai phạm của ông Lê Thanh Hải. Đồng thời, kênh truyền hình trên dẫn kết luận của Bộ Chính trị rằng, ông Lê Thanh Hải vi phạm “nguyên tắc tập trung dân chủ” – một kết luận tương tự như các quan chức đã bị vào lò. Còn thông tin được tuồn ra từ nội bộ Đảng cho biết, ông Lê Thanh Hải đã bị câu lưu ở Hà Nội.
Vụ Thủ Thiêm đã bị ông Trọng khui ra vào năm 2018. Tuy nhiên, khi đó ông Trọng không thể xử lý được ông Hải. Với việc bắt bà Trương Mỹ Lan, tưởng rằng, ông Tổng sẽ kéo được ông Hải vào lò, nhưng Hai Nhật – Lê Thanh Hải vẫn thoát. Giờ đây, ông Tổng phải mượn đến tay Bộ Chính trị để giải quyết.
Xem ra, trong việc điều tra sai phạm của ông Lê Thanh Hải, ông Trọng và ông Tô Lâm không cùng suy nghĩ. Và nếu, trong vụ Vạn Thịnh Phát, Tô Lâm cố tình bỏ qua cho ông Hải, thì đấy chính là dấu hiệu ông Tô Lâm đã không còn vâng lời ông Tổng nữa. Đến nay, điều này đã thành hiện thực, Tô Lâm đã tự ý hành động, mà không nghe thèm ông Tổng.
Trần Chương – Thoibao.de