Việc ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội, bị cho thôi chức, chỉ hơn một tháng sau khi cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm, giới phân tích đánh giá, đã báo hiệu một thời kỳ chính trường Việt Nam bất ổn và xáo trộn.
Sau khi 2 Huệ và Thưởng bị truất chức, nhân sự của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã giảm xuống còn 13 ủy viên, so với đầu khoá 13 là 18 uỷ viên. Như vậy, chỉ hơn 3 năm sau Đại hội 13, số ủy viên Bộ Chính trị đã hao hụt tới 5 người.
Hiện nay, theo giới quan sát, Tổng Trọng là người buồn nhất sau kết quả tạm thời trong cuộc thanh trừng của Bộ trưởng Tô Lâm. Vì mọi toan tính và nỗ lực của ông Trọng, trong việc “xây dựng đội ngũ kế thừa” cho chiếc ghế Tổng Bí thư, sau khi ông rút lui, đều bị ông Tô Lâm và phe cánh phá tan nát.
Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ đều là những nhân vật thân cận nhất, do Tổng Trọng dày công dẫn dắt. Thế nhưng, trong “chớp mắt”, đã bị Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm hạ bệ không thương tiếc.
Một bài phân tích mới đây trên một trang tin nổi tiếng quốc tế, đánh giá, ông Tô Lâm là ứng cử viên sáng giá, kế nhiệm cho vị trí của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, dường như nỗi buồn của ông Trọng khi mất thực quyền, đã khiến cho ông gần như biến mất, không còn xuất hiện công khai trong thời gian gần đây.
Đồng thời, khả năng Bộ trưởng Tô Lâm sẽ trở thành Tổng Bí thư kế tiếp, ngày càng cao hơn. Theo đó, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục nhanh chóng sử dụng sức mạnh của Bộ Công an, để nhắm vào các đối thủ chính trị còn lại trong Đảng, để đi tiếp.
Trong khi đó, một số nhà phân tích quốc tế cho rằng, cuộc đấu đá nội bộ trước Đại hội Đảng lần thứ 14, dự kiến diễn sẽ ra vào tháng 1/2026, sẽ ngày càng tăng nhiệt, bất chấp việc ông Tô Lâm đã đánh gãy 2 trong số 4 nhân vật của “Tứ trụ’, trong bối cảnh quyền lực của Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trở nên mạnh mẽ hơn trước rất nhiều.
Đó là lý do vì sao, công luận cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không được yên, khi nhiều ý kiến trong Đảng, từ phe ủng hộ Tô Lâm, đã lên tiếng yêu cầu ông Trọng phải từ chức, để chịu trách nhiệm về những đàn em của ông. Trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trọng đã để cấp dưới sai phạm hàng loạt, trong đó có cả những lãnh đạo cấp dưới trực tiếp và thân cận với ông.
Giáo sư Zachary Abuza, một chuyên gia phân tích chính trị, từ Hoa Kỳ đã khẳng định:
“Cách phòng thủ tốt nhất của Tô Lâm là tấn công, và rõ ràng, ông ta đã tham gia vào chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng. Ông ấy đã hạ gục hết nhà lãnh đạo này tới nhà lãnh đạo khác, doanh nhân này nối tiếp doanh nhân khác, và ông ta thực sự đang ở một vị trí không thể bị tấn công.”
Một điều quan trọng, đánh giá về quyền lực hiện nay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư Abuza nhận định, “hiện nay, [ông Trọng] vẫn là người có quyền lực và ảnh hưởng đáng kể. Nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương bắt đầu cuộc điều tra về ông Tô Lâm, thì bản thân ông [Tô Lâm] cũng không thể ngăn cản việc đó.”
Điều đó có nghĩa là, việc điều tra các sai phạm của Bộ trưởng Bộ Công an là chuyện có thể, nhưng đáng chú ý, chuyên gia Abuza cho rằng, một cuộc điều tra đối với ông Tô Lâm sẽ không xảy ra vào lúc này.
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc, nhận định:
“Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội cuối năm 2023, số phiếu “tín nhiệm thấp” của ông Tô Lâm xếp thứ 43, và là người kém nhất trong số 6 nhân vật thuộc Bộ Chính trị, có chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.”
Kết quả này cho thấy, một số không nhỏ các lãnh đạo cao cấp và các Đại biểu Quốc hội, đang thực sự lo ngại đối với ông Tô Lâm. Vì thế, ông Tô Lâm đang là một ứng viên gây chia rẽ trong nội bộ Đảng.
Trong lịch sử của các Đảng Cộng sản, chuyện hạ bệ các lãnh tụ cấp cao, với cáo buộc liên quan đến cái gọi là “âm mưu chống Đảng”, là điều thường gặp. Ví dụ như vụ án Lâm Bưu, nhân vật số 2 thời Mao Trạch Đông, nhưng sau đó đã bị cáo buộc là “tên phản Cách mạng số một”. Kết cục, Lâm Bưu đã qua đời một cách bí ẩn. Mới đây, có các nhận định cho rằng, “ông Lâm Bưu không tạo phản, mà đã mắc bẫy của Mao!”.
Đây là điều mà Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phải cảnh giác cao độ!./.
Trà My – Thoibao.de