Giới quan sát quốc tế nhận định, chính trị Việt Nam đang trong thời kỳ “xáo trộn chưa từng có”, và “cuộc khủng hoảng kế nhiệm Tổng Bí thư càng trở nên trầm trọng”. Chỉ hơn 2 năm sau vụ bê bối “thịt bò dát vàng”, sự nổi giận của Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã khiến hàng loạt các đại án bị phanh phui.
Kết quả, hàng chục ủy viên Trung ương Đảng mất chức hay vào tù, trong đó có 2 chủ tịch nước, 1 Chủ tịch Quốc hội, 2 phó thủ tướng và 1 Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Số lượng uỷ viên Bộ Chính trị đầu nhiệm kỳ khóa 13 là 18, đến nay chỉ còn 13, và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu nhân sự cấp cao của Đảng, tại Đại hội 14 sắp tới. Trong khi đó, nhân sự đủ điều kiện để trở thành 1 trong Tứ trụ hiện nay, chỉ còn 4 người, đó là: ông Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Minh Chính, bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm.
Sau khi 2 nhân vật thuộc “Tứ trụ” là ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ bay chức, công luận khẳng định, kết quả đó cho thấy, sự nghiệp chính trị và cả cuộc đời của ông Nguyễn Phú Trọng, là một chuỗi liên tiếp những thất bại.
Bởi hễ “lò” đụng tới đàn em nào của Tổng Trọng, thì kẻ đó – không ăn cắp thì cũng vướng những sai phạm tày đình, như Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh…, rồi đến Võ Văn Thưởng, và mới nhất là Vương Đình Huệ. Điều đó cho thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không đủ năng lực, trình độ, và nhận thức, để chống tham nhũng.
Nhiều ý kiến trong Đảng đã yêu cầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải từ chức, và trên cương vị người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm khi để cấp dưới sai phạm hàng loạt, kể cả các nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất, những người thân cận của Tổng Bí thư.
Nếu là một người có liêm sỉ và đủ tự trọng, thì chắc chắn, ông Trọng phải xin từ chức theo quy định, noi gương các lãnh đạo khác.
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến nay, gần 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, theo số liệu được Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 của Đảng công bố sáng 13/3. Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Trưởng tiểu ban Nhân sự, nhưng những nhân vật kế cận được cho là có thể thay thế ông Trọng đều lần lượt phải ra đi. Điều đó cho thấy, chất lượng nhân sự cấp cao mà Tổng Trọng chọn lựa rất có vấn đề.
Báo Quân đội Nhân dân mới đây đã đưa ra bình luận và nhấn mạnh: “kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách. Trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút”.
Đây là một chủ trương không mới, mà chỉ là một sự nhắc lại, nhưng theo giới quan sát, rất có thể, đây là một thông điệp từ phe quân đội nhắm tới Tổng Trọng, thể hiện quan điểm chính thức.
Một câu hỏi đặt ra là, liệu Tổng Bí thư vẫn còn thực sự nắm quyền điều hành chiến dịch “đốt lò” nữa hay không?
Giáo sư Alexander Vuving từ Hoa Kỳ đã đưa ra nhận định:
“Rõ ràng là, chiến dịch chống tham nhũng đã vượt tầm kiểm soát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phương châm của ông là “đánh chuột nhưng không làm vỡ bình”, do đó, ông tìm mọi cách để giữ bình không bị vỡ. Nhưng ông lại không nghĩ rằng, trong số chuột cũng có cả những con cưng của ông.”
Giáo sư Alexander Vuving khẳng định:
“Có thể nói là, chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đã tạo ra một chiếc bẫy, mà chính ông bị rơi vào. Ông Trọng chống tham nhũng theo kiểu cắt ngọn, tỉa cành, trong khi vẫn bón phân đầy đủ cho gốc rễ. Việc đó khiến cây tham nhũng vẫn tiếp tục sum suê, mặc dù một số cành, kể cả ngọn, bị cắt tỉa. Không ngờ, việc cắt ngọn tỉa cành lại cắt luôn cả những cành và ngọn được ông Trọng chăm bẵm và kỳ vọng.”
Từ đầu năm 2024, giới phân tích quốc tế đã đánh giá về tình hình chính trị Việt Nam, cho rằng, “nhắc đến Việt Nam là người ta chỉ nghĩ đến những đại án tham nhũng, và 2 trong số “Tứ trụ” lần lượt từ chức. Trong khi, đất nước vẫn chưa giải quyết được những khó khăn tác động đến thu hút đầu tư nước ngoài, vì cán bộ [lãnh đạo] tránh ký quyết định vào thời điểm này, sợ bị kéo vào cuộc chiến quyền lực.”
Công luận đã đặt câu hỏi về sự ra đi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, khi cho rằng: “Công cuộc chống tham nhũng đã hoàn toàn thất bại, thì Tổng Trọng còn ở lại làm gì?”./.
Trà My – Thoibao.de