Công tác nhân sự thất bại – trách nhiệm thuộc về Đảng trưởng

Ngày 7/5, BBC Tiếng Việt nêu nhận định “Đảng Cộng sản Việt Nam: công tác nhân sự thất bại?”

Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 12, 13 và cả khóa 14 sắp tới. Nhưng khóa 12 và 13 có tổng cộng 8 ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, cho thôi chức; hàng loạt ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, bị xử lý hình sự, đã làm dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả của công tác nhân sự, do ông Trọng đứng đầu.

BBC bình luận, chính trường Việt Nam đang có những diễn biến khó lường, nhất là sau sự ra đi lần lượt của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

BBC dẫn quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho rằng, các kỳ đại hội Đảng thường có nhiều nội dung, nhưng có 2 vấn đề quan trọng nhất, là văn kiện và nhân sự. Và ông Trọng là người đứng đầu cả 2 tiểu ban này cho Đại hội Đảng 14.

Ông Trọng cũng chủ trì cả 2 tiểu ban này của hai khóa trước, tức Đại hội 12 và 13.

BBC cho biết, theo diễn giải của Đảng, Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 có nhiệm vụ xây dựng phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; kế hoạch giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng – ở đây là vị trí “Tứ Trụ”.

Có thể hiểu, Tiểu ban Nhân sự có trách nhiệm giới thiệu, kiểm tra, chốt hạ – nôm na là thống nhất trước khi trình ra tập thể Đại hội, cả nhân sự cấp chiến lược gồm Tứ trụ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trưởng các ban đảng, trưởng bộ ngành, bí thư 63 tỉnh, thành….

BBC dẫn lời một nhà quan sát chính trị Việt Nam ẩn danh, nhận xét:

“Tiểu ban Nhân sự là cửa soát vé quan trọng nhất của Trung ương về vấn đề nhân sự trước Đại hội.”

BBC dẫn tiếp lời Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, tại Singapore, cho rằng

“Ông Trọng có thể giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư, nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư… và các ủy viên khác của tiểu ban cũng có quyền giới thiệu, lựa chọn và tất cả cùng đánh giá.”

“Cuối cùng, Tiểu ban Nhân sự sẽ lên một danh sách nhân sự, gồm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương, và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước cho khóa 14. Quyết định về nhân sự là quyết định tập thể,” ông Hợp nói.

BBC lưu ý, phương án nhân sự các chức vụ tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng được xếp vào dạng “Tuyệt mật”.

BBC nhắc lại phát biểu của ông Trọng, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc, ngày 23/4/2020, rằng:

Đúng người thì nhân dân được nhờ, Cách mạng được nhờ và đất nước phát triển. Còn chọn sai người thì không biết sẽ sao.

Thế nhưng, tính tới nay, nhân sự Đảng cả 2 khóa 12 và 13, đã có 8 ủy viên Bộ Chính trị bị “xử lý”, nhiều ủy viên Trung ương Đảng phải đi tù.

BBC nhận xét, dù ông Trọng đã dùng ngôn ngữ mạnh mẽ để nói rõ tầm quan trọng của công tác nhân sự, nhưng đến nay, một số chuyên gia cho rằng, công tác nhân sự khóa 13 do ông Trọng dẫn dắt đã “thất bại”.

BBC dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, cho hay, ông được các nguồn tin cho biết, Việt Nam sẽ thay đổi Điều lệ Đảng và nâng độ tuổi tham gia Bộ Chính trị lên 70 hoặc 71 tuổi.

“Vậy là, sẽ có những người già hơn. Đây là sự quản lý yếu kém. Và đây không phải là cách để một đất nước phát triển”, Giáo sư Carl Thayer nói.

Giáo sư Thayer cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm đối với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, khi để xảy ra việc hàng loạt quan chức bị xử lý.

Chia sẻ với BBC, một số nhà quan sát đánh giá rằng, công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam “sai từ quy trình”, hay nói đúng hơn là, nằm trong “lỗi hệ thống”.

 

Hoàng Anh – thoibao.de