Vì sao tin đồn bắt Lê Thanh Hải là “phép thử” quyền lực của Tô Đại, đối với Tổng Trọng?

Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 có thể được coi là một khúc ngoặt trong sự nghiệp chính trị của đương kim Chủ tịch nước Tô Lâm – cựu Bộ trưởng Bộ Công an. Việc ông Tô Lâm bị đa số các lãnh đạo cấp cao trong nội bộ Đảng, ép phải ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch nước – một vị trí trong “Tứ trụ”, nặng về tính lễ nghi, song rất ít quyền lực.

Dẫu rằng, việc ông Tô Lâm phải ngồi vào một trong 2 chiếc ghế Tứ trụ còn trống, Chủ tịch Quốc hội hoặc Chủ tịch nước, là điều bắt buộc, nếu ông muốn có tên trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 14, sẽ khai mạc đầu năm 2026.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc ông Tô Lâm phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước, với nhiều dấu hiệu bất bình thường trong quá trình Quốc hội đề cử, phê chuẩn…, là bằng chứng cho thấy, các phe phái trong Đảng có thể đang tìm cách loại bỏ ông. Tô Lâm có thể đang bị Tổng Trọng và các đối thủ khác trong Đảng vào hùa với nhau, để loại ông ra khỏi cuộc đua giành vị trí “nhân sự chủ chốt”, tại Đại hội Đảng sắp tới.

Quốc hội và các “cấp có thẩm quyền” đã dùng biện pháp mạnh vào phút thứ 89, từ chối không để cho Tô Lâm đồng thời giữ cả 2 chức: Bộ trưởng Công an và Chủ tịch nước. Cũng như, Ban Chấp hành Trung ương đã không phê chuẩn 2 nhân vật thân cận của ông – 2 Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc, một kế nhiệm ghế Bộ trưởng Bộ Công an, và một giữ ghế trong Ban Bí thư.

BBC đã đưa ra bình luận rằng: “Một số nhà quan sát nói với BBC rằng, trở thành Chủ tịch nước là “bàn đạp” để ông Tô Lâm có thể củng cố quyền lực, từ đó tiến tới ghế Tổng Bí thư trong tương lai. Một khi, ông Tô Lâm đã ở trong “Tứ trụ”, thì ông ấy có thể sẽ có “suất đặc biệt” tại Đại hội 14, để kéo dài sự nghiệp chính trị của mình, khi ông đã quá 65 tuổi”.

Tương tự, Giáo sư Zachary Abuza đã đưa ra bình luận: “việc giữ chức Chủ tịch nước không ngăn cản việc ông Tô Lâm là ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư. Nếu ai đó đang cố gắng có được các vị trí cao nhất của Đảng và nhà nước cùng một lúc, giống như ở Trung Quốc, thì đó là ông Tô Lâm”.

Những phân tích vừa kể, rõ ràng cho thấy, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm vẫn có một vị thế không hề nhỏ, để tiến tới ghế Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng kế tiếp. Vậy, lấy gì để đánh giá sức mạnh quyền lực của tân Chủ tịch nước Tô Lâm?

Để trả lời câu hỏi trên, trước hết, phải trả lời câu hỏi: Vì sao, mới đây, mạng xã hội đã có những đồn đoán cho rằng, Bộ Công an ngày 23/5 vừa khởi tố đối với ông Lê Thanh Hải – cựu Bí thư Thành Hồ? Trong khi trước đó, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa 13, ngày 16/5, Ban Chấp hành Trung ương chỉ quyết định “cách tất cả chức vụ trong Đảng” ông Lê Thanh Hải.

Ngay sau đó, BBC đã đưa ra một đánh giá đáng chú ý:

“Theo Khoản 9 Điều 2 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022, quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật Đảng viên, đảng viên sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng khi vi phạm pháp luật, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, việc ông Hải chỉ bị cách chức mà không bị khai trừ, có thể hiểu rằng, Đảng đã đánh giá những sai phạm của ông Hải không tới mức xử lý hình sự.”

Có nhiều ý kiến cho rằng, ông Lê Thanh Hải từng được mệnh danh là nhân vật “bất khả xâm phạm”. Cư dân mạng đồn đoán, nhờ ông Hải từng nhiều khóa là Ủy viên Trung ương, cũng như Ủy viên Bộ Chính trị, nên đã nắm thóp Tổng Trọng, trong thời gian giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Theo đó, ông Nguyễn Phú Trọng cùng với cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, bị dính nghi án nhận hối lộ của Tập đoàn Ciputra – Indonesia, mỗi người 1 triệu USD và 2 biệt thự ở Khu Đô thị Nam Thăng Long.

Do đó, tin đồn bắt Lê Thanh Hải và ai là người quyết định bắt, sẽ là một phép thử về mặt quyền lực đối với ông Tô Lâm hiện nay, cụ thế là:

– Nếu người ra lệnh bắt là Tổng Trọng, thì có thể coi đó là hành động “diệt khẩu”, để chấm dứt những tin đồn bất lợi cho Tổng Bí thư?

– Nếu vụ án là do Tô Lâm chỉ đạo cho đàn em thân tín ở Bộ Công an thực hiện, thì chứng tỏ, ông vẫn còn quyền uy tại Bộ Công an. Và chuyện bắt Lê Thanh Hải có thể coi là một hành vi “dằn mặt”, đe dọa đối với Tổng Trọng, vì rất có thể, những lời khai của Lê Thanh Hải sẽ thay đổi bàn cờ chính trị.

Điều đó cho thấy, trận chiến “vương quyền” trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam chưa thể kết thúc dễ dàng./.

 

Trà My – Thoibao.de