Thông tin hiện nay cho thấy, Lương Tam Quang, đệ ruột của ông Tô Lâm, có khả năng sẽ là Bộ trưởng Bộ Công an, theo đề xuất của Đảng uỷ Công an Trung ương, tại một cuộc họp ngày 28/5.
Theo thông lệ, những vấn đề về nhân sự cấp cao sẽ do Bộ Chính trị quyết định. Khi Bộ Chính trị bế tắc, không thể giải quyết được, thì sẽ đưa vấn đề ra để Trung ương Đảng giải quyết. Nhưng trường hợp của ông Lương Tam Quang lại không đi theo lộ trình này, và cách giải quyết là chưa có tiền lệ.
Như vậy, sau khi Tô Lâm bị Phạm Minh Chính “đánh lén” vào hôm 22/5, khiến ông bị tước mất chức Bộ trưởng Công an, thì giờ đây, Tô Lâm quyết giành lại chức này cho đệ ruột cùng gốc Hưng Yên của ông. Nếu kế hoạch này thành công, thì đây là thất bại ê chề cho tập thể Bộ Chính Trị, và cho cả phe lò của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tô Lâm làm Chủ tịch nước, Lương Tam Quang nắm chức Bộ trưởng Bộ Công an – kịch bản này được ví như việc Tô Lâm đoạt được thanh bảo kiếm của chế độ, sau khi bị Phạm Minh Chính ra đòn bất ngờ. Với kịch bản này, sức mạnh chính trị trước đây thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng, nay sẽ được chuyển sang tay Tô Lâm. Nếu nắm giữ được thanh kiếm này, Tô Lâm sẽ quay lại “chém” các “đồng chí”, để mưu cầu quyền lực.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao Tô Lâm dám qua mặt Bộ Chính trị, để tổ chức Hội nghị Đảng uỷ Công an nói trên? Một mình Tô Lâm dám cân luôn cả 15 người còn lại, bao gồm cả Tổng Trọng? Vậy sức mạnh thực sự của Tô Lâm là gì?
Trở lại câu chuyện Tô Lâm hạ Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai. Cả 3 trường hợp này đều có điểm chung, là Tô Lâm cho điều tra các sân sau của họ, và dùng “hồ sơ đen” ấy đánh gục các đối thủ chính trị.
Có thể dự đoán, Tô Lâm cũng đã điều tra nhiều nhân vật khác trong Bộ Chính trị, cũng theo cách như vậy. Nhưng ông không đưa những bộ hồ sơ này lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mà lại sử dụng chúng như công cụ để đe dọa. Khả năng rất cao là Tô Lâm đã dùng cách này, để khiến các uỷ viên Bộ Chính trị còn lại không dám bỏ phiếu chống lại phương án mà Tô Lâm đưa ra.
Sau khi Tô Lâm hạ Vương Đình Huệ, phe Nghệ An như “rắn mất đầu”. Cơ hội của các cá nhân trong nhóm này, từng được Vương Đình Huệ hứa hẹn, bỗng chốc tan thành mây khói. Có thông tin cho rằng, sau khi đánh “dập đầu rắn” phe Nghệ An, Tô Lâm quay ra đàm phán với phe này, để liên minh với phe Hưng Yên của ông. Điều kiện trao đổi là, phe Nghệ An ủng hộ Lương Tam Quang, và ngược lại, Tô Lâm sẽ để họ được yên. Thông tin này cũng có cơ sở, bởi Tô Lâm không thể gây thù với tất cả, mà cần có sự ủng hộ của nhiều người, từ Trung ương Đảng đến Bộ Chính trị.
Hiện nay, các giám đốc công an tỉnh đều là người do Tô Lâm lựa chọn và bổ nhiệm. Đây chính là tai mắt của ông ở các chính quyền địa phương. Chính những người này sẽ có trách nhiệm điều tra các quan chức đầu tỉnh, và dùng hồ sơ đấy để sai khiến họ. Cả nước có 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, thì có đến 63 uỷ viên Trung ương Đảng, và ít nhất là 2 uỷ viên Bộ Chính trị có thể bị Tô Lâm điều khiển.
Ngoài ra, Tô Lâm có thể dùng tiền để mua sự ủng hộ. Bởi sau 8 năm nắm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm không thể “nghèo” như các bộ trưởng khác được. Mỗi năm, Bộ Công an được Trung ương cấp cho 100 ngàn tỷ đồng, tương đương 4,2 tỷ đô la Mỹ, thì đấy là cơ hội để ông Bộ trưởng kiếm chác được nhiều, và có tiền để làm chính trị.
Cuối cùng, Tô Lâm có thể phối hợp nhiều cách, vừa đe dọa bằng hồ sơ đen, vừa mua chuộc bằng tiền, để đổi lấy được sự ủng hộ của các thành viên Trung ương Đảng. Với 185 uỷ viên Trung ương, Tô Lâm phải thủ trong tay ít nhất là 93 hồ sơ đen.
Trong màn đấu đá tranh giành quyền lực ở cung đình, Tô Lâm hoàn toàn có thể chuyển bại thành thắng. Thực tế hiện nay, Tô Lâm đã ép được Bộ Chính trị phải nhượng bộ một phần. Một khi đã ép được Bộ Chính trị nhượng bộ hoàn toàn, thì kẻ nào từng “đánh lén” Tô Lâm, ắt có ngày bị ông Chủ tịch họ Tô tính sổ.
Hoàng Phúc – Thoibao.de