Ngày 1/6, trang Facebook của nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà đăng status ngắn, với nội dung: “Đang khám xét nhà, bắt khẩn cấp nhà báo Huy Đức”.
Status vắn tắt ngày khiến cộng đồng mạng dậy sóng, bởi Osin Huy Đức là nhà báo có tiếng tăm, với những phân tích chính trị sâu sắc. Những bài viết của ông rất được nhiều người chào đón.
Lâu nay, nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà được xem là “chim báo bão”, bởi những thông tin mà nhà báo này loan tải, thường là những tin tức rất khả tín, từ trong nội bộ cung đình Cộng sản. Những tin cô đưa ra, thường là đi trước báo chí nhà nước, hoặc là những thông tin nhạy cảm, mà báo chí nhà nước không được phép đăng.
Như vậy, khả năng cao là nhà báo Osin Huy Đức – tức Trương Huy San, đã bị bắt.
12 tiếng sau khi nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin trên, trang facebook cá nhân có tick xanh của nhà báo Huy Đức đã bị khóa. Đây là một tín hiệu nữa cho thấy, thông tin mà nhà báo Hương Trà đưa ra, là khả tín. Giờ đây, cần tin xác nhận từ báo chí nhà nước.
Ông Trương Huy San bị bắt, cộng đồng mạng đặt ra nghi vấn rằng, phải chăng, do một status gần đây của ông đã động chạm đến ông Nguyễn Phú Trọng?
Trong status ấy, nhà báo Huy Đức thẳng thừng chỉ trích chế độ và nêu đích danh Tổng Trọng. Do đó, nhiều người nghi ngờ ông Nguyễn Phú Trọng là người ra tay trong vụ bắt bớ này. Tuy nhiên, vấn đề lại không đơn giản. Có thể, còn nhiều yếu tố khác cần đem ra phân tích, mổ xẻ, để làm sáng tỏ thêm sự thật.
Trong một status khác, trước khi bị bắt, ông Trương Huy Sang đã tập hợp lại một số status cũ từ nhiều năm trước, kèm thêm lời bình. Nếu nói ông vì chỉ trích Nguyễn Phú Trọng mà bị bắt, thì đáng ra, ông phải bị bắt từ lâu rồi. Tại sao đến nay ông mới bị bắt? Cũng cùng một nội dung, nhưng trước đây không bắt, nay lại bị bắt, đây là điểm đáng ngờ.
Thời điểm nhà báo Huy Đức bị bắt, trùng với thời điểm mà thượng tầng chính trị có xáo trộn rất lớn. Những tháng qua, phe của Tô Lâm tung hết đòn đánh này đến đòn đánh khác, làm cho phe ông Tổng rụng 3 lãnh đạo cấp cao, trong đó có một Chủ tịch nước, một Chủ tịch Quốc hội và một Thường trực Ban Bí thư. Đây là trường hợp chưa có tiền lệ, làm cho vị trí Chủ tịch nước bị bỏ trống gần 2 tháng, sau đó mới bố trí được người. Nhưng sau khi đã bố trí được ghế Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và Thường trực Ban bí thư, thì giờ lại đến giai đoạn tranh giành chức Bộ trưởng Bộ Công an.
Mới đây, thông tin rò rỉ cho biết, phe Tô Lâm đã tiến được thêm một bước mới. Đấy là đưa được Nguyễn Duy Ngọc vào vị trí Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, vị trí được xem là người gác đền cho Tổng Bí thư. Với vị trí mới này, cộng với hồ sơ đen về các sân sau của các thành viên Ban Bí thư, Nguyễn Duy Ngọc có thể giám sát, và không loại trừ là có thể điều khiển được một số thành viên Ban Bí thư. Đây được xem là bước tiến mới trên con đường củng cố quyền lực của ông Chủ tịch nước Tô Lâm.
Đây cũng là dấu hiệu cho thấy, thượng tầng chính trị đang có hướng dịch chuyển quyền lực, từ Văn phòng Trung ương Đảng sang Phủ Chủ tịch. Việc dịch chuyển quyền lực này, đồng thời với việc bắt nhà báo Huy Đức, thì rất có thể, chính là thế lực mới này ra tay. Có thể, những bài viết trong quá khứ của Huy Đức không khiến thế lực cũ bận tâm, nhưng giờ đăng lại, đã khiến thế lực mới “sôi máu”.
Trong tình hình chính trị thượng tầng đang bất ổn như hiện nay, mọi cách ứng xử của Chính quyền đều có thể thay đổi theo, không theo lẽ thường. Và với việc thế lực Công an ngày càng lớn mạnh, thì tình trạng bắt bớ sẽ ngày một khốc liệt hơn rất nhiều.
Ý Nhi – Thoibao.de