Trên mạng xã hội và các diễn đàn chính trị của người Việt trong những ngày gần đây, có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại đối với tình trạng gia tăng bắt bớ đối các nhân vật có tiếng nói khác biệt với nhà cầm quyền Việt Nam.
Ngày 1/6, xuất hiện thông tin Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, đã bị khởi tố bắt giam. Cùng thời điểm đó, nhà báo Huy Đức bị bắt và khám xét nơi ở.
Được biết, Luật sư Trần Đình Triển là bạn đồng môn với cựu Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Theo giới quan sát, trên mạng xã hội, Luật sư Triển thường có các ý kiến ủng hộ ông Tô Lâm, nhưng lại thường chỉ trích ông Nguyễn Hòa Bình về năng lực và trình độ. Khác với nhà báo Huy Đức, cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu lý do vì sao Luật sư Triển lại bị khởi tố bắt giam trong lúc này?
Có ý kiến cho rằng, “người có tài thì lắm tật”, ông Huy Đức hay ông Trần Đình Triển đều nằm trong số những người như vậy. Họ là những người có chuyên môn, cũng như có trình độ cao, có mối quan hệ rộng với các quan chức cao cấp. Do đó, họ phải gánh chịu số phận của những người luôn phải đứng giữa các làn đạn, của các thế lực chính trị cấp cao trong Đảng.
Việc bắt hay không bắt một ai đó, phụ thuộc vào tình hình chính trường, sự thắng thua của người chống lưng cho họ. Huy Đức bị bắt, chứng tỏ, phe kẻ chống lưng cho ông đang thua cuộc.
Một câu hỏi đặt ra, đó là, Tổng Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm, ai là người đứng sau việc bắt nhà báo Huy Đức và Luật sư Trần Đình Triển nói riêng, hay chủ trương dập tắt những tiếng nói trái chiều ở Việt Nam nói chung?
Nhà báo, Luật sư Lê Quốc Quân đã đưa ra nhận xét trên Facebook cá nhân, rằng:
“Cả nhà báo Huy Đức và Luật sư Trần Đình Triển đều là người Hà Tĩnh. Họ bị 2 mũi tấn công, bắt khẩn cấp vào cùng 1 thời điểm. Trước đó, có 3 “Nghệ nhân” đều bị bắt về tội “trốn thuế”, là: Luật sư Trần Vũ Hải, Luật sư Lê Quốc Quân và Luật sư – Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, nhưng với động cơ chính trị rõ ràng.”
Đồng thời, ông Lê Quốc Quân cũng đưa ra một cảnh báo đáng lo ngại:
“Chưa bao giờ mà tư duy về băng hội, địa lý, phe nhóm, dữ dằn như hiện nay. Cũng chưa bao giờ mà đại biểu Quốc hội lo lắng, lặng câm như bây giờ. Cứ nhìn vào gương Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, là các đại biểu [Quốc hội] run sợ “són đái”.”
Facebooker Nguyen Chiến Thắng – một người Việt định cư tại châu Âu, đã đưa ra nghi vấn:
“Trước đây, nhiều người không hiểu cứ đổ cho Tô Lâm. Từ đàn áp biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, “đặc khu”, … bắt bớ, tù đày các nhà hoạt động môi trường, giết cụ Kình, ra lệnh bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh… Cho đến bây giờ, khi Tô Lâm đã bị đá ngược lên, nhưng bắt bớ, đàn áp vẫn diễn ra còn gắt gao hơn.”
“Mới nhất, vụ bắt nhà báo Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển, đã cho thấy, bàn tay của kẻ nào đã nhúng vào tất cả các cuộc bắt bớ, đàn áp, giết người từ trước tới nay?”
Theo giới thạo tin, không khó để hiểu rằng, ông Nguyen Chiến Thắng đang ẩn ý, thủ phạm chính là Tổng Trọng.
Nhưng ngược lại, trong bài viết, “Vì sao nhà báo Huy Đức bị bắt khẩn cấp?” của tác giả Nam Việt, đã đánh giá:
“Lâu nay, nhà báo Huy Đức được coi là người ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng, trong các chính sách điều hành đất nước, và đặc biệt là trong vấn đề chống tham nhũng.
Nhưng có ý kiến nói rằng, những bài viết gần đây được viết với sự hậu thuẫn của ông Trọng – [ông Trọng] tự chịu đau, để lấy đà cho một cuộc dọn dẹp sự thao túng của Tô Lâm đang diễn ra.”
Nhà báo Nam Việt nhận định:
“Tô Lâm đã nhận thức thấy chuyện gì sắp xảy ra với mình. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, tên bạo chúa này [Tô Lâm] lập tức tiến hành bắt giữ nhà báo Huy Đức, mỉa mai thay, cũng dựa vào Điều luật 331 và 117 (Bộ luật Hình sự) mà Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn y trong việc trấn áp cả nước, và việc Huy Đức bị bắt, ngoài dự liệu của ông Nguyễn Phú Trọng.”
Công luận ở Việt Nam có nhận định chung rằng, có vẻ như, ông Trọng không muốn Tô Lâm trở thành người nắm quyền cao nhất của Đảng, và đang nỗ lực chuẩn bị một cuộc thanh trừng, để hạ bệ Tô Lâm. Theo đó, đây là biện pháp một công đôi việc, ông Trọng và phe cánh sẽ loại trừ con hổ “ăn thịt” tất cả “đồng chí” của mình.
Về quyền tự do ngôn luận và biểu đạt ở Việt Nam, theo đánh giá và xếp hạng mới nhất của tổ chức Phóng viên Không biên giới, Việt Nam hiện gần như “đội sổ” ở bảng chỉ số về tự do ngôn luận, với vị trí 174/180 – còn tệ hơn cả Nga (162/180) và Trung Quốc (172/180).
Trà My – Thoibao.de