Chưa bao giờ, việc chọn lựa nhân sự cho ghế Bộ trưởng Bộ Công an, lại khó khăn như bây giờ.
Trước đây, muốn ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Công an phải là Ủy viên Bộ Chính trị. Như vậy, muốn chọn Bộ trưởng Công an, thì Bộ Chính trị chỉ việc chọn một trong các thành viên Bộ Chính trị, trừ các nhân vật tứ trụ. Nghĩa là, nếu theo thông lệ, chọn người thay thế Tô Lâm ở ghế Bộ trưởng Công an, chỉ cần chọn 1 trong các ông Nguyễn Văn Nên , Nguyễn Hòa Bình, Phan Đình Trạc, hoặc Trần Cẩm Tú là ổn. Vậy mà, Bộ Chính trị cứ lúng túng, họp hành mãi vẫn không thể chọn được, cuối cùng, lại để cho Tô Lâm tự chọn theo cách riêng.
Những uỷ viên Bộ Chính trị vừa kể, đều là người của ông Tổng, cho nên, chỉ cần ông Tổng chọn thì 3 người còn lại sẽ không tranh chấp. Tuy nhiên, lần này, việc chọn lựa của ông Tổng gặp khó khăn. Chức danh Bộ trưởng Công an đã không rơi vào tay một trong số uỷ viên Bộ Chính trị, mà lại rơi vào một Ủy viên Trung ương Đảng.
Tướng Lương Tam Quang là nhân vật thiếu rất nhiều tiêu chuẩn, để trở thành Bộ trưởng Bộ Công an. Ông Lương Tam Quang tuy là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, nhưng ông lại không phải Ủy viên Bộ Chính trị, mà chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng chưa tròn 1 nhiệm kỳ. Trong gần 80 năm lịch sử cầm quyền của Đảng, chưa có Ủy viên Trung ương Đảng nào lại trở thành Bộ trưởng Bộ Công an. Đã vậy, ông Lương Tam Quang lại không phải là Đại biểu Quốc hội, trong khi đó, vị trí Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu phải là Đại biểu Quốc hội.
Như vậy, ông Lương Tam Quang hoàn toàn không đủ tư cách để làm Bộ trưởng Bộ Công an. Ấy vậy mà, tại cuộc họp của Đảng uỷ Công an Trung ương, ngày 28/5 vừa qua, Tô Lâm đã đạo diễn cho 63 giám đốc sở công an các tỉnh thành, và các tổng cục thuộc Bộ, bỏ phiếu chọn giới thiệu Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Công an. Đây là cách mà Tô Lâm “ép” Bộ Chính trị phải chấp nhận cuộc chơi do ông dẫn dắt.
Dù Bộ Chính trị cố kéo dài thời gian, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận yêu sách của Tô Lâm.
Rõ ràng, đây là hành động của kiêu binh làm loạn.
Lâu nay, Bộ Chính trị được xem là Bộ siêu quyền lực, quyết định mọi chính sách và hành động của chính quyền Công sản, Bộ này được xem như là một nhóm vua tập thể. Ấy vậy mà, lần này, một cơ quan công cụ như Bộ Công an, lại dám gây áp lực lên Bộ Chính trị. Như vậy, thượng tầng chính trị của Đảng Cộng sản đang đảo lộn?
Lương Tam Quang đã chính thức được Quốc hội thông qua, cho nhận chức Bộ trưởng Công an. Đây là một cú tát trời giáng vào Bộ Chính trị, là thất bại ê chề của Bộ siêu quyền lực này. Rõ ràng, lúc này, Bộ Chính trị đang bị Bộ Công an thao túng. Cung đình Cộng sản không còn theo trật tự nữa.
Phe ông Tổng luôn cố gắng lôi kéo các uỷ viên Bộ Chính trị về phía mình. Cụ thể, trước Hội nghị Trung ương 9 vừa qua, Ban Bí thư có 5 uỷ viên Bộ Chính trị, do Tô Lâm đã “bắn rụng” 1. Tuy nhiên, ngay trong Hội nghị này, ông Trọng cho bổ sung 4 uỷ viên Bộ Chính trị mới, đều là người của Ban Bí thư, đưa số uỷ viên Bộ Chính trị trong Ban Bí thư lên 8 người, chiếm phân nửa Bộ Chính trị.
Kế hoạch đưa nhiều người vào Bộ Chính trị, để nâng tầm sức mạnh cho Ban Bí thư của Tổng Trọng, đã trở nên vô nghĩa, khi ông Tô Lâm dùng Bộ Công an để khống chế Bộ Chính trị. Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy, Bộ Chính trị bị Bộ Công an “trói”. Tuy nhiên, qua việc Bộ Chính trị đầu hàng Tô Lâm, trong vụ chọn người vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an, đã cho thấy một tiền lệ xấu đang diễn ra. Đó là, Chủ tịch nước thâu tóm quyền lực, làm thay công việc của Bộ Chính trị.
Khi đã trói tay được Bộ Chính trị, thì Tô Lâm cũng không ngần ngại làm bá chủ trong Đảng. Để lấy lại quyền lực cho Bộ Chính trị, chỉ có thể dựa vào nỗ lực của ông Nguyễn Phú Trọng và 14 uỷ viên còn lại (trừ Tô Lâm).
Liệu Bộ Chính trị sẽ thắng hay thua Bộ Công an trong những tranh chấp tiếp theo? Hãy đợi xem!
Thái Hà – Thoibao.de