Theo giới quan sát, kể từ cuối năm 2023 cho tới nay, đã có một số nhân vật quyền lực thân cận với Tổng Trọng tỏ ra “kiệm lời”, ít xuất hiện một cách khác thường. Điều này được lý giải là để “tránh tai bay vạ gió”, trong số đó có Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Tuy nhiên, sau khi cựu Bộ trưởng Công an, đương kim Chủ tịch nước Tô Lâm hoàn toàn làm chủ cuộc chơi quyền lực, thì ông Nguyễn Hòa Bình xuất hiện trở lại trên truyền thông.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/6 đưa tin, “Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Trại giam toàn tội phạm, có khi lại đào tạo đứa trẻ thành chuyên nghiệp hơn”. Bản tin cho biết, sáng 8/6, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Tại buổi thảo luận này, Chánh án Bình phát biểu rằng, hệ thống pháp luật hiện hành đang có nhiều bất cập, cần phải được khắc phục bằng một đạo luật riêng, với nhiều quy định nhân văn hơn.
Theo giới quan sát, sự trở lại của Chánh án Bình trên truyền thông nhà nước, chỉ sau đúng một ngày khi Bộ Công an ra thông báo, đã chính thức khởi tố, bắt tạm giam nhà báo Huy Đức và Luật sư Trần Đình Triển. Đây là 2 nhân vật được mệnh danh là “túi khôn” của phe Hà Tĩnh nói riêng, và Nghệ Tĩnh nói chung.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, một người đồng hương Hà Tĩnh của 2 nhân vật này tiết lộ, “Huy Đức đang bị tạm giam ở trại B14 (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội)”, và có lẽ, Luật sư Triển cũng tương tự.
Đáng chú ý, cách đây chưa lâu, trên mạng xã hội đã xuất hiện các ý kiến cho rằng, sau khi cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị mất chức, thì người sẽ bị gọi tên tiếp theo, khả năng cao là Chánh án Nguyễn Hòa Bình – một nhân vật thân cận với Tổng Trọng.
Có nhiều ý kiến cho rằng, kể từ sau Đại hội 13, ông Nguyễn Phú Trọng đã chọn ông Nguyễn Hòa Bình làm lá chắn, cho việc cố ý ngồi lại nhiệm kỳ thứ 3. Nhờ vậy, ông Bình – một nhân vật lãnh đạo đầy tai tiếng, lại bất ngờ lọt vào Bộ Chính trị. Và đây cũng là lý do khiến Bình “tòa” có khả năng cao, sẽ là đích ngắm của Tô Lâm.
Vào thời điểm đó, Facebook của Luật sư Trần Đình Triển đã xuất hiện một status, với tiêu đề “Cần mở rộng điều tra vụ án Lê Đức Thọ, có liên quan đến con trai ông Nguyễn Hoà Bình hay không?”.
Luật sư Triển đặt vấn đề:
“Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Lê Đức Thọ (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre). Dư luận xã hội phản ánh, gia đình Lê Đức Thọ có hàng ngàn tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra, cần được giải đáp là, tiền đó do đâu mà có?”
Theo Luật sư Triển, cần thanh tra, điều tra, làm rõ một số vấn đề về Vietinbank, trong thời gian ông Lê Đức Thọ làm Tổng Giám đốc, trong đó có việc liên quan đến trách nhiệm của ông Nguyễn Hòa Bình, mà theo Luật sư Triển “bật mí”:
“Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên quản lý quỹ Ngân hàng Vietinbank, do Nguyễn Tuấn Anh (hiện là Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, con trai ông Nguyễn Hoà Bình – Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao) một thời gian dài làm Chủ tịch Công ty, và đã “bung vốn đầu tư” với một khối lượng tiền vô cùng lớn.”
Luật sư Triển đặt tiếp câu hỏi, vậy Lê Đức Thọ và Nguyễn Tuấn Anh có cấu kết với nhau hay không? Có ăn chia không? Có lợi dụng ảnh hưởng của ông Nguyễn Hoà Bình không? Và ông Bình có can thiệp, như một số đơn thư tố giác không?
Đáng chú ý, trước đó, Luật sư Triển đã nhiều lần giới thiệu:
“Ông Nguyễn Hoà Bình và Bộ trưởng Tô Lâm là bạn học cùng khóa đại học với tôi; trong công tác thì có thời gian cùng ngành, hoặc khác nghề nhưng lại liên quan đến nhau.”
Tại thời điểm đó, theo giới quan sát, cuộc chiến quyền lực đang diễn ra rất quyết liệt. Trong khi Tổng Trọng đang chật vật chống lại sự lộng hành của Bộ trưởng Tô Lâm. Còn Tô Lâm thì tận dụng truyền thông, lôi kéo sự ủng hộ của dư luận, với mục đích “thỏa mãn cơn cuồng nộ của số đông dân chúng”.
Theo giới thạo tin, vào thời điểm đó, ông Tô Lâm đã bật đèn xanh cho Luật sư Triển tố cáo Chánh án Bình, nhưng chỉ với mục đích để bắn tin cho ông Bình, hãy “trở cờ”, quay lưng lại với Tổng Trọng thì sẽ được an toàn. Và có lẽ, đó chính là lý do Chánh án Bình xuất hiện trên truyền thông mới đây, với hàm ý, mình đã được an toàn, do trở về với “bên thắng cuộc”.
Xin nhắc lại, Chủ tịch nước Tô Lâm bất ngờ đảo ngược tình thế, và giành thắng lợi cuối cùng, do ở phút 89 đại đa số các lãnh đạo cấp cao của Đảng đã quyết định “trở cờ”, để sát cánh với ông Tô Lâm và loại bỏ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng./.
Trà My – Thoibao.de